Vì sao không chấp nhận sự thật: Các doanh nghiệp FDI có tổng lợi nhuận thấp? (Phần III)

15 Th12, 2023
avatar post

Lẽ nào các doanh nghiệp nước ngoài với công nghệ và quản trị tiên tiến hơn, có thương hiệu quốc tế cao hơn, có thị trường quốc tế rộng lớn hơn lại có lợi nhuận thấp hơn, có hiệu quả kinh doanh trên vốn thấp hơn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước Việt Nam.

Điều đó thật vô lý, vì nó trái với nguyên lý chung, trái với suy nghĩ và nhận thức của các bạn lâu nay. Nhiều bạn đã cố tìm mọi cách chứng minh rằng doanh nghiệp FDI tuy tổng lợi nhuận thấp hơn, đóng góp vào ngân sách thấp hơn, nhưng hiệu quả sử dụng vốn của họ vẫn tốt hơn.

Để chứng minh rằng các doanh nghiệp FDI có hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn, nhiều bạn đã tìm mọi lý lẽ, dữ liệu để giảm vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI đi và tăng vốn và tài sản của 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lên, nhưng rất tiếc cũng chỉ có thể làm giảm chênh lệch thôi chứ không thay đổi được kết quả cuối cùng.

Thực chất lý do chính, lý do quan trọng nhất là trong các năm vừa qua các doanh nghiệp FDI đã chuyển giá, né thuế và trốn thuế quá nhiều. Đây là số liệu năm 2021: Có đến 14.293 doanh nghiệp FDI hạch toán lỗ và số lỗ của 14.293 doanh nghiệp FDI này nên đến 168.334 tỷ đồng Việt Nam.

Không thể chấp nhận lý luận của một số bạn rằng: “lợi nhuận thật và hiệu quả kinh doanh thật của các doanh nghiệp FDI phải cao hơn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nếu cộng phần chuyển giá, né thuế, trốn thuế vào”.

Đã gian lận để trốn đóng góp cho ngân sách của quốc gia sở tại, nhưng đến khi so sánh hiệu quả kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn lại đòi cộng cả phần gian lận vào, chơi khôn thế thì ai chơi cho được.

Khi tôi đưa ra con số lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI năm 2021 là 88.585 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến cỡ 100.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận của 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2022 là 247.682 tỷ đồng, một con số chênh lệch quá lớn, thì mục đích của tôi là để chúng ta thấy con số quá phi lý, và chính phi lý đó đã làm nổi bật và làm rõ vấn đề gian lận, chuyển giá, né thuế, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI trong suốt nhiều năm qua.

Quan điểm của tôi là cứ lấy số liệu trên các báo cáo tài chính để so sánh thôi và đấy cũng phản ánh đúng với thực chất vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp FDI cho nền kinh tế Việt Nam.

Việc gian lận, chuyển giá, né thuế, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI không chỉ làm mất đi vài chục ngàn tỷ tiền thu ngân sách mỗi năm mà còn làm cho thống kê GDP quốc gia hụt mất cỡ 2,5% mỗi năm (GDP quốc gia là phần giá trị tạo ra trên quốc gia. Việc hạch toán giảm lợi nhuận, đẩy lợi nhuận sang nước khác đã làm giảm phần giá trị tạo ra ở Việt Nam).

Đỗ Cao Bảo

FB Đỗ Cao Bảo