Vì sao địa phương gửi hàng trăm văn bản hỏi Trung ương?
Có những trường hợp chúng tôi được trả lời cặn kẽ. Nhưng, phải nói rất thật rằng, thông thường nếu đầu dây của cơ quan Nhà nước biết người hỏi là luật sư thì sẽ… không trả lời, hoặc trả lời kiểu có như không “về đọc lại điều nào đó trong luật”, không ít khi kèm theo một câu kháy kiểu “luật sư mà không biết luật à”.
Còn nếu luật sư giấu được thân phận (thông thường là nói mình đại diện cho doanh nghiệp) thì sẽ nhận được tư vấn chi tiết hơn. Tất nhiên, như đã nói ở trên là cũng có lúc may mắn thì chúng tôi nhận được hướng dẫn chi tiết và cởi mở của cán bộ.
Dù biết rằng việc giải đáp thắc mắc qua điện thoại không hoàn toàn nằm trong chức phận của cơ quan Nhà nước, nhưng việc cung cấp thông tin này hoàn toàn là giúp cho việc áp dụng pháp luật từ phía doanh nghiệp chính xác hơn. Từ đó, công việc của cơ quan Nhà nước với các bộ hồ sơ thực tế cũng giảm tải. Chính vì vậy mà một số cơ quan hiện nay đã tổ chức bộ phận tuyên truyền, nhưng đây không phải là đa số.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nói về phản ánh địa phương gửi hơn 500 văn bản xin ý kiến vượt thẩm quyền năm 2022 (Ảnh: Q.Huy).
Vấn đề tôi muốn bàn ở đây không phải là những trải nghiệm nêu trên, vì thực tế thì luật sư gọi điện hỏi cơ quan Nhà nước không phải vì luật sư không biết luật thành văn nói gì, mà đơn giản là họ gặp vấn đề giống như những gì ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu tại Hội nghị công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp sở, ngành, địa phương, sáng 11/5.
Theo đó, ông Phan Văn Mãi đã nêu quan điểm về phản ánh địa phương này gửi hơn 500 văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2022 trong khi hầu hết vấn đề đưa lên hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố. Từ đây liên hệ tới tình trạng các cơ quan hành chính, công chức, viên chức của TPHCM không dám làm dẫn đến đình trệ.
Ông Mãi khẳng định, sau khi có phản ánh trên, địa phương đã lập tức phân tích các văn bản đã xin ý kiến. Qua dữ liệu, thành phố nhận thấy các văn bản xin ý kiến thuộc 4 nhóm.
Nhóm 1 là các vấn đề thực tiễn của TPHCM phát sinh, quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi; nhóm 2 là có những vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa luật này và luật kia nên phải hỏi; nhóm 3 là đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau nên phải hỏi; nhóm 4 là đã có quy định nhưng việc nghiên cứu còn nhiều điểm chưa chắc chắn nên hỏi.
“Nếu quy các trường hợp của nhóm 4 là sợ, không dám làm thì có thể đúng, nhưng các nhóm còn lại phải hỏi. Thực tế trong hơn 600 văn bản bộ trả lời cũng có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào câu trả lời cũng không biết sao mà làm”, Chủ tịch UBND TPHCM nói.
Ông Phan Văn Mãi bày tỏ, việc thành phố hỏi những vấn đề không cần hỏi là có, nhưng không phải là tất cả. TPHCM phân tích các vấn đề này trên tinh thần nếu có vấn đề sẽ làm tốt hơn chứ không trốn tránh trách nhiệm hay đổ lỗi.
Trở lại với câu chuyện của các luật sư. Trước khi gọi điện thoại hỏi cơ quan Nhà nước thì chúng tôi cũng đã phải nghiên cứu vấn đề rất nhiều lần và có quan điểm của mình. Nhưng chúng tôi không thể chắc quan điểm của mình có phù hợp với quan điểm của chính cán bộ giải quyết không. Mà việc nhiều cán bộ có quan điểm khác nhau, hay cùng một cán bộ có quan điểm khác nhau tùy theo ngày… không phải là hiếm. Vì vậy, vì lợi ích cao nhất của khách hàng, luật sư phải điện hỏi cơ quan Nhà nước.
Tuy vị trí và công việc khác nhau song tôi có một quan sát giống ông Phan Văn Mãi, đó là nhiều khi câu trả lời, kể cả bằng văn bản, của cơ quan Nhà nước cũng… không giúp ích được gì.
Câu trả lời rằng “về xem lại điều luật” hoặc “thực hiện đúng quy định pháp luật” là câu trả lời vừa lười biếng, vừa không hiểu bản chất của vấn đề. Không có một hệ thống pháp luật nào trên đời này có thể tự tin nói rằng luật của tôi rõ ràng, cứ đọc vào là hiểu, và không cần sự diễn giải.
Trước đây, tôi từng nghĩ một điều luật mà hai người đọc vào có hai ý kiến khác nhau là một điều luật dở. Nhưng bây giờ tôi cho rằng một điều luật mà chỉ có hai cách hiểu đã là điều luật tốt lắm rồi vì thực tế là nó phức tạp hơn vậy nhiều.
Các quốc gia giải quyết vấn đề này bằng cách trao cho một cơ quan cụ thể nào đó quyền diễn giải pháp luật và sự diễn giải là công khai, có thể tra cứu được – chẳng hạn như ở Mỹ là các cơ quan tư pháp. Nhờ đó mà các nhân tố khác trong hệ thống pháp luật cũng tự tin hơn khi áp dụng pháp luật.
Ở Việt Nam, theo quy định hiện hành thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, thực tiễn liên tục phát sinh các câu hỏi, từ giới luật sư cho đến các cơ quan Nhà nước như UBND TPHCM. Trong khi đó, thẩm quyền đề nghị giải thích cũng như trình tự, thủ tục giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh… được quy định rất chặt chẽ và trong thực tế Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiếm khi thực hiện quyền này.
Khi “đụng” việc thì các bên liên quan thường sử dụng các diễn giải mang tính bán chính thức dưới dạng công văn của các Bộ, ban, ngành phụ trách (tuy công văn đó không phải là văn bản pháp luật). Điều này dẫn đến việc nếu ai có công văn giải thích trong tay thì họ có lợi thế về mặt thông tin, và đây là điều rất không nên trong một môi trường pháp luật lành mạnh.
Chắc chắn là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Chủ tịch UBND TPHCM đều có cơ sở với phát biểu của mình, vì đó là thực tiễn công việc hàng ngày của các vị này. Và hai phía tiếp cận khác nhau như vậy sớm muộn phải xảy ra, và… rất nên xảy ra.
Tôi tin rằng với thực tế Việt Nam, chỉ khi một vấn đề được đẩy lên đến tầm mức cơ quan Nhà nước tranh luận với nhau như vậy thì mới có động lực giải quyết, bất chấp việc vấn đề này đã tồn tại nhiều năm nay.
Lê Nguyễn Duy Hậu
Theo Dân Trí