Văn hóa doanh nghiệp – bí quyết đemđến thành công cho các doanh nghiệp Nhật Bản
Có một sự khác biệt cơ bản trong tư duy của người Nhật về doanh nghiệp. Tại Mỹ và các nước phương Tây, quyền lực cao nhất trong việc quyết định số phận của một doanh nghiệp là các cổ đông. Cổ đông yêu cầu nhà quản lý phải nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp trong một thời gian ngắn. Chỉ số cổ tức là thước đo năng lực của nhà quản lý. Tuy nhiên, người Nhật lại quan niệm rằng doanh nghiệp tồn tại như một hoạt động mang tính đạo đức. Mọi người trong công ty phải kết nối với nhau trong mối quan hệ chung. Doanh nghiệp là một chủ thể thống nhất. Người Nhật quan tâm đến lợi ích doanh nghiệp và người làm trong doanh nghiệp, thay vì chỉ quan tâm đến lợi nhuận như phương Tây. Do đó, tại một doanh nghiệp Nhật Bản, người lãnh đạo phải nâng cao đời sống cho người lao động và điều này ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp kiểu Nhật đã tạo cho công ty một không khí làm việc như trong một gia đình, các thành viên gắn bó với nhau chặt chẽ. Lãnh đạo của công ty luôn quan tâm đến các thành viên. Vì làm việc suốt đời cho công ty nên công nhân và người lao động sẽ được tạo điều kiện để học hỏi và đào tạo từ nguồn vốn của công ty. Nâng cao năng suất, chất lượng và đào tạo con người được coi là hai đặc trưng cơ bản của văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản.
Sự thống nhất giữa doanh nghiệp và người làm trong doanh nghiệp đã tạo cho mọi thành viên sự trung thành cao. Tất cả đều quan tâm đến sự sống còn của doanh nghiệp, dẫn đến sự tăng trưởng cao.
Triết lý kinh doanh
Rất hiếm tìm doanh nghiệp Nhật Bản nào không có triết lý kinh doanh. Điều đó được hiểu như sứ mệnh của doanh nghiệp trong sự nghiệp của chính mình, là hình ảnh doanh nghiệp trong ngành và trong xã hội. Có thể thấy được qua những minh chứng điển hình như công ty Sony với triết lý “Sáng tạo là lý do tồn tại của chúng ta”, hay công ty Panasonic với giấc mơ mang đến “Một cuộc sống tốt đẹp hơn, Một thế giới tươi đẹp hơn”…
Lựa chọn những giải pháp tối ưu Nét văn hóa truyền thống của đất nước mặt trời mọc làm nên nét văn hóa doanh nghiệp gia đình độc đáo
Những mối quan hệ doanh nghiệp – xã hội; doanh nghiệp – khách hàng; cấp trên – cấp dưới thường nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn về lợi ích, tiêu chí, đường lối. Để giải quyết, các doanh nghiệp Nhật Bản thường tìm cách tham khảo giữa các bên, tránh gây những xung đột đối đầu.
Đối nhân xử thế khéo léo
Người Nhật Bản chấp nhận người khác có thể mắc sai lầm, nhưng luôn cho đối tác hiểu rằng điều đó không được phép lặp lại và tinh thần sửa chữa luôn thể hiện ở kết quả cuối cùng.
Phát huy tính tích cực của nhân viên
Các doanh nghiệp Nhật Bản đều coi con người là tài nguyên quý giá nhất, nguồn động lực quan trọng nhất làm nên giá trị gia tăng và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp sẽ thất bại khi mọi người không có động lực và không tìm thấy chỗ nào họ có thể đóng góp.
Tổ chức sản xuất kinh doanh năng động và độc đáo
Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn đề cao chất lượng thỏa mãn nhu cầu khách hàng, đi trước thị trường và kết hợp hai hòa các lợi ích. Cải tiến liên tục ở từng ngươi, từng bộ phận để tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp và thỏa mãn khách hàng tốt hơn là phương châm hoạt động của nhiều doanh nghiệp Nhật.
Công ty như một cộng đồng
Mọi thành viên trong doanh nghiệp gắn kết với nhau trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm hơn là bởi hệ thống quyền lực. Doanh nghiệp như một con thuyền vận mệnh, một mái nhà chung. Mọi người sống vì doanh nghiệp, vui buồn với thăng trầm của doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh được hình thành luôn trên cơ sở đề cao ý nghĩa cộng đồng và phù hợp với các chuẩn mực xã hội, hướng tới những giá trị mà xã hội tôn vinh.
Công tác đào tạo và sử dụng người
Các doanh nghiệp Nhật Bản khi hoạch định chiến lược kinh doanh luôn coi đào tạo nhân lực và sử dụng tốt con người là khâu trung tâm. Bởi từ thực tế và hoàn cảnh của Nhật Bản: đất nước nghèo tài nguyên, nhỏ bé với dân số thấp, từ đất nước nông nghiệp gánh chịu đổ nát sau chiến tranh mà đi lên, thường xuyên phải hứng chịu thiên tai… nên nguồn lực con người trở thành yếu tố quyết định đến sự phát triển của các doanh nghiệp.
Thiên Vân.