Tại sao Đông Bắc Á thành công, còn Đông Nam Á thất bại?
Theo Joe Studwell: “những quốc gia chuyển đổi từ nghèo sang giàu nhanh nhất mà thế giới từng chứng kiến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và giờ là Trung Quốc”. Bốn quốc gia Đông Bắc Á này chính là hình mẫu cho chính sách tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cho các nước Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ latin.
Joe Studwell có luận điểm rất sâu sắc, đáng suy ngẫm: Các quốc gia không thuộc nhóm các quốc gia thông thường sẽ không thể là hình mẫu đầy đủ để nghiên cứu và học hỏi. Với Joe Studwell thì Singapore, Hong Kong, Ma Cao và Brunei là 4 quốc gia Đông Á không là các quốc gia thông thường.
Joe Studwell cho rằng Singapore và Hong Kong thực chất là thương cảng và trung tâm tài chính quốc tế, chỉ chuyên về hoạt động thương mại, cảng biển trung chuyển và dịch vụ tài chính, chúng không bao giờ có thể tồn tại độc lập, chúng phải sống cùng, sống ký sinh chặt chẽ với các quốc gia và khu vực lân cận, chúng ít dân hơn, lại không phải giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn nghèo khó, với tỷ lệ dân số cao.
Joe Studwell cũng cho rằng Ma Cao thực chất là trung tâm cờ bạc có tiếng, cũng phải sống cùng, sống ký sinh chặt chẽ với các quốc gia và khu vực lân cận, còn Brunei là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về nguồn dầu mỏ, khí đốt, hơn nữa cả Ma Cao và Brunei đều có dân số rất ít, chỉ cỡ 460.000 đến 680.000 dân thôi. Chính vì vậy Brunei và Ma Cao cũng không phải là quốc gia thông thường.
Mở rộng khái niệm “quốc gia thông thường” của Joe Studwell ra toàn thế giới thì trong số các quốc gia giàu có và tiệm cận giầu có, có những quốc gia sau thuộc nhóm các quốc gia không thông thường:
1)Nhóm dầu khí: Qatar, UAE, Brunei, Kuwait, Bahrain, Saudi Arabia, Oman, Iran và Trinidad & Tonago.
2) Nhóm quốc gia nhỏ Châu Âu: Monaco, Liechtenstein, Luxembourg, Ireland, San Mario, Andora, Malta (dân số từ 33.000 đến 645.000).
3) Nhóm quốc đảo, thiên đường thuế: Bahamas, Seychelles, Babados (dân số từ 100.000 đến 400.000).
4) Nhóm quốc gia – thành phố: Singapore, Hong Kong, Ma Cao.
Như vậy trong 196 quốc gia trên toàn cầu, có chỉ có 21 quốc gia thông thường đã trở thành các quốc gia giàu có (GDP đầu người trên 30.000 USD) và 10 quốc gia tiệm cận giàu có (GDP đầu người từ 20.000 USD đến 30.000 USD). Trong số 31 quốc gia thông thường giàu có và tiệm cận giàu có thì có đến 23 quốc gia Châu Âu, 5 quốc gia có nguồn gốc Châu Âu (Mỹ, Canada, Australia, New Zealand và Israel) và 3 quốc gia Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan).
Như vậy trên thế giới chỉ có các quốc gia Châu Âu (hoặc có nguồn gốc Châu Âu) và 3 quốc gia Đông Bắc Á là những quốc gia thông thường trở nên giàu có và tiệm cận giàu có.
Tất cả 28 quốc gia Châu Âu đều đã trải qua gia đoạn đô thị hoá, công nghiệp hoá hàng trăm năm và quá trình phát triển và trở nên giàu có của họ cũng diễn ra trong nhiều thế kỷ.
Chính vì vậy các quốc gia Đông Bắc Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (và có thể thêm Trung Quốc) chính là mô hình phát triển cần nghiên cứu và học hỏi cho hơn 140 quốc gia còn lại.
Về Việt Nam, Joe Studwell nói rằng: ông lấy làm tiếc vì không có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu để chứng minh rằng mô hình phát triển Đông Bắc Á của ông có đúng với Việt Nam không (mô hình phát triển dựa trên 3 sự can thiệp: can thiệp tái cấu trúc nông nghiệp thành hình thức trang trại gia đình sử dụng nhiều nhân công, can thiệp hướng đầu tư và các doanh nghiệp vào sản xuất và can thiệp trong khu vực tài chính để định hướng nguồn vốn vào nông nghiệp và phát triển sản xuất).
PS: Joe Studwell là sáng lập và BTV tờ báo The China Economic Quarterly, CTV cho Economist, tác giả 2 cuốn sách Bố già Châu Á và Giấc mơ Trung Quốc.
Đỗ Cao Bảo
Fb Đỗ Cao Bảo