Không phải năng lực xuất sắc hay IQ cao, chuyên gia nhân sự khẳng định người sếp tuyệt vời phụ thuộc 70% vào yếu tố này.
Mối quan hệ giữa sếp và nhân viên nơi công sở luôn là một chủ đề được nhiều người quan tâm. Một lãnh đạo tuyệt vời có ảnh hưởng tích cực đến nhân viên, cải thiện năng suất làm việc và sự phát triển của tổ chức. Sếp tốt cũng là lí do để cấp dưới gắn bó với công việc, cống hiến hết mình hơn vì sự phát triển chung.
Trong buổi Livestream Drama Công Sở mùa 2 xoay quanh chủ đề: Sếp & Đồng nghiệp: Hòa thuận không hòa hoãn do Vietnamworks tổ chức, các chuyên gia đã có những ý kiến chi tiết về tố chất cần có ở một người sếp tuyệt vời.
Theo diễn giả Đoàn Huỳnh Vân Anh – Professional Coaching tại LCV: “Đại đa số mọi người cho rằng năng lực không phải điều quan trọng nhất của một người sếp tốt. Yếu tố trí thông minh cảm xúc chiếm 70%, người sếp tốt sẽ hiểu được bản thân, nhân viên, thông cảm hỗ trợ nhân viên”.
Chị Vân Anh dẫn chứng số liệu của một khảo sát toàn cầu về các yếu tố của một người sếp tốt đối với cả nhân viên và những người làm sếp rằng, yếu tố đánh giá một người sếp tốt lần lượt là: 70% trí thông minh cảm xúc, 20% năng lực chuyên môn và 10% IQ.
Theo chị, về chất, nhìn lại những người sếp từ trước đến giờ, mọi người sẽ rút ra được những tiêu chí để đánh giá một người sếp tốt. Một người sếp tốt sẽ có đức tính kiên nhẫn, biết lắng nghe và để ý đến nhân viên, quan tâm đến sự phát triển của cá nhân, đội ngũ, mối quan hệ nhóm… Tất cả những yếu tố này đều liên quan đến chỉ số trí thông minh cảm xúc EQ. “Tôi rất bất ngờ khi biết được thông tin này. Rõ ràng, sự tương tác giữa con người với con người ảnh hưởng rất lớn tới mối quan hệ giữa nhân viên và sếp”, chị Vân Anh nói.
Theo diễn giả Nguyễn Việt Hùng – Former Managing Director tại KMS Technology Vietnam, tác giả sách Tản mạn về hạnh phúc, một người sếp tốt là người có thể ảnh hưởng tích cực đến cả công việc và cuộc sống của cấp dưới. Đó là phần thưởng tốt nhất và bền vững đối với người lãnh đạo.
Trong đó, ông Hùng nhấn mạnh: “Một người sếp tốt trước tiên phải biết cách phát triển bản thân mình tốt hơn mỗi ngày, quản trị được chính mình. Bản thân người sếp phải tìm được hướng đi và lời giải cho bài toán đó của riêng mình trước khi hướng dẫn người khác.
Điều thứ 2 là họ phải xuất sắc khi làm việc với con người. Đối với tôi, một đội ngũ mạnh là có sự gắn kết chặt chẽ để tạo nên kết quả tập thể.
Thứ 3 là một người có được sự tin tưởng tăng lên mỗi ngày của cấp dưới. Sự uy tín trong mối quan hệ với mọi người ngày càng tăng lên.
Thứ 4, người sếp phải hiểu được tình hình kinh doanh chung, nhìn nhận được định hướng chung của đội nhóm. Chỉ khi hiểu được công việc chung thì sếp mới có thể dẫn dắt mọi người đi tới kết quả tốt nhất”.
Trước đó, ông Việt Hùng cũng đề cập rằng mối quan hệ sếp – nhân viên vẫn nên được xây dựng trên nền tảng mối quan hệ giữa người với người. Nền tảng của điều đó chính là hiểu rằng chúng ta khác nhau và cần tôn trọng nhau. Hãy là chính mình để thể hiện đúng mực trong giao tiếp. Ai cũng nên rèn luyện điều đó trong giao tiếp. Xây dựng mối quan hệ bền vững sẽ giúp bạn sẽ định hướng trong cả công việc và cuộc sống.
Lãnh đạo không được sinh ra, họ được tạo ra thông qua quá trình trải nghiệm và rèn luyện. Việc đưa ra các quyết định và sự tương tác sẽ tăng cường kỹ năng lãnh đạo và xây dựng văn hóa công ty nếu người đứng đầu luôn giữ được trái tim ham học hỏi, chính trực. Học hỏi và phát triển là bản chất của cuộc sống tốt đẹp. Khi liên tục cập nhật những kiến thức mới, những người làm lãnh đạo sẽ luôn là người tiên phong, hỗ trợ nhân viên của mình cũng đạt được mục tiêu chung.
Bằng cách tìm hiểu nhu cầu, thế mạnh và phong cách làm việc của từng người, sếp giỏi có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi và phù hợp để thúc đẩy năng suất cũng như nhiệt huyết của nhân viên. Sự kết nối với và lắng nghe giữa sếp và nhân viên của mình theo thời gian sẽ giúp các mối quan hệ sẽ dần đơm hoa kết trái và thành công cũng đến nhanh hơn.
Hoàng Lan/ Theo Nhịp sống kinh tế