‘Giấy tờ phòng cháy chữa cháy sẽ được giảm bớt’
Các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn được xem là điểm nghẽn khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua. Nói tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp ngày 20/7, ông Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục PCCC và Cứu nạn cứu hộ, cho biết cơ quan chức năng đang phối hợp tìm cách tháo gỡ. Đến nay, có khoảng 10.000 cơ sở (trên tổng số 47.719 đơn vị) đã được gỡ vướng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục PCCC và CNCH. Ảnh: Minh Khôi
Theo ông, Bộ Công an đang sửa đổi Nghị định 136 theo hướng giảm bớt các giấy tờ, thủ tục liên quan phòng cháy chữa cháy để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Dự kiến, Nghị định mới ban hành trong tháng 8, kỳ vọng tháo gỡ được các điểm nghẽn hiện nay.
“Nếu trước đây người dân, doanh nghiệp phải nộp nhiều hồ sơ như giấy thẩm định cũ, giấy kiểm định, hồ sơ hoàn công, nay những cái nào do cơ quan công an cấp không phải nộp lại”, ông nói. Hiện các thủ tục hành chính PCCC cũng được thực hiện trực tuyến toàn phần.
Bên cạnh đó, công tác phân cấp phân quyền về địa phương sẽ được đẩy mạnh hơn. Đơn cử, nếu trước đây, trong 1 năm, Cục PCCC sẽ kiểm định 100 công trình, tương lai còn 40. Việc thẩm định với một số công trình cũng được giảm bớt, từ 3 bước (chấp thuận địa điểm, duyệt thiết kế cơ sở, duyệt thi công), xuống còn 1.
“Điều này nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Tuấn Anh cho biết.
Doanh nghiệp cũng đặt rất nhiều câu hỏi cho phía cơ quan chức năng về các quy định phòng cháy chữa cháy. Ông Nguyễn Hồng Hải, đại diện Hiệp hội Đại lý môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam, chia sẻ quy định về trang thiết bị chữa cháy bắt buộc tại cảng biển không hợp lý, gây ra lãng phí rất lớn cho doanh nghiệp.
“Cảng loại 1 bắt buộc phải trang bị 2 xe và 1 tàu chữa cháy, cảng loại 2 là 1 xe, 1 tàu chữa cháy. Thực tế trong quy hoạch xây dựng cảng biển đã đầu tư đầy đủ về PCCC rồi”, ông nói. Theo ông, việc trang bị mới này có thể lên đến cả trăm tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí duy tu, bảo dưỡng, cùng nhân lực đặc thù.
“Chúng tôi kiến nghị được dùng chung phương tiện PCCC trang bị cho đơn vị chức năng trên địa bàn và thu phí khi có sự cố xảy ra”, ông Hải nói. Ngoài ra, ông nhắc đến khó khăn do vật liệu chống cháy tại Việt Nam ít, giá thành đắt; áp lực của doanh nghiệp logistics khi chuyển đổi công năng nhà xưởng thường xuyên vẫn phải đảm bảo quy định PCCC.
Thông báo của UBND phường Anh Khánh (TP HCM) bên ngoài một cửa hàng karaoke trên đường Trần Não tháng 3/2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Còn ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, bày tỏ lo ngại về vấn đề hồi tố các công trình trước các quy định mới về PCCC. Doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn trước yêu cầu phải lắp thêm đường truyền để báo cáo sự cố.
“Một bộ lắp đặt cũng 20-30 triệu, thuê bố trí 12 triệu, cộng thêm các yêu cầu khác về PCCC vốn rất khắt khe cũng đến cả trăm triệu”, ông kể.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đề cập đến chưa có các quy định thẩm duyệt, nghiệm thu với các công trình cải tạo nhỏ lẻ, khiến mỗi địa phương đưa ra một yêu cầu khác nhau; doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục PCCC. Điều này khiến họ tốn nhiều thời gian, tăng chi phí.
Giải đáp các vấn đề này, Cục trưởng PCCC Nguyễn Tuấn Anh nói, theo Luật PCCC, những công trình đặc biệt như cảng biển, hàng không, nhà máy điện, cần có đội PCCC chuyên hoặc bán chuyên. Tức có phương tiện để tự cứu chữa trong khu vực khi có sự cố.
“Không thể sử dụng chung vì đây là những nơi có nguy hiểm cháy nổ cao, không đợi được”, ông Tuấn Anh cho biết. Tuy nhiên, ông nói đã ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu về số lượng phương tiện cần thiết.
Trước lo ngại của doanh nghiệp về hồi tố, lãnh đạo Cục PCCC khẳng định, không có chuyện này. “Nhiều doanh nghiệp bảo tiêu chuẩn mới khó hơn nhưng không phải vậy. Nhiều cái là có từ xưa, và cũng không hề hồi tố. Nhưng có thời gian dài các chủ đầu tư nhận được ưu ái của các địa phương, chúng tôi thấy thế nên cũng lơ là một chút. Giờ cháy nổ nhiều hơn, bắt buộc phải làm chặt, cán bộ không phạt là bị kỷ luật”, ông Tuấn Anh nói.
Còn với vấn đề lắp đặt đường truyền sự cố tại các điểm kinh doanh xăng dầu, ông cho biết “vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, cơ quan chức năng chưa bắt buộc”. Việc lắp đặt này nhằm số hóa cơ sở kinh doanh, giúp rút ngắn thời gian nắm bắt, xử lý cháy nổ.
Chia sẻ thêm, ông Tuấn Anh nói vướng mắc của một số doanh nghiệp cũng đến từ việc họ không chú ý đến PCCC từ ban đầu. Thực tế, các đơn vị này chỉ được cấp phép tư vấn, thiết kế, giám sát thi công hệ thống PCCC trong khi công tác nghiệm thu là toàn diện, tính đến cả kết cấu, kiến trúc. Theo đó, các hiệp hội doanh nghiệp cần hướng dẫn chủ đầu tư trực tiếp thực hiện thủ tục PCCC để kịp thời điều chỉnh khó khăn.
Ông Lê Minh Long, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cũng đồng tình và cho rằng doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ hơn về các quy chuẩn. “Người dân, doanh nghiệp nếu nắm rõ hơn sẽ giảm được vướng mắc”, ông nói. Phía Bộ Xây dựng cũng đang tiếp nhận các ý kiến và tiếp tục sửa đổi quy chuẩn.
Đức Minh
Theo vnexpress.net