‘Doanh nghiệp dính bẫy vì luật chơi không sòng phẳng’
Thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội sáng 25/5, đại biểu Lê Thanh Vân, thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, cho rằng hiện nay doanh nghiệp trong nước đối mặt vô vàn khó khăn, nhưng lại chưa có sự thấu hiểu, chia sẻ từ cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Vân cho rằng có tình trạng doanh nghiệp án binh bất động vì sợ sai, sợ bị xử lý. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất là giải phóng năng lực doanh nghiệp trong nước, đó là các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, công ty khởi nghiệp. Còn về việc xử lý khi doanh nghiệp sai phạm, ông Vân khẳng định cần “đánh cho họ chừa chứ không đánh cho họ chết”.
Bởi theo ông, trừ khi doanh nghiệp đó can thiệp vào an ninh quốc gia, phá hủy nền kinh tế phải trừng trị thích đáng. Còn họ sai lầm, vướng mắc bởi thể chế, chính sách pháp luật không ổn định cần phải xem xét một cách khách quan.
“Chúng ta đưa luật chơi không sòng phẳng thì họ dính bẫy. Cần xem xét cho khách quan để tạo lực lượng doanh nhân thực sự hùng mạnh, tự chủ”, ông Vân nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân (thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách) phát biểu sáng 25/5. Ảnh: Phạm Thắng
Bên cạnh đó, thị trường giảm cầu, đơn đặt hàng không có, sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết. Song, thay vì sự thấu hiểu, cơ quan quan bảo vệ pháp luật tiếp tục siết chặt kiểm soát. Trong lúc kiệt quệ, doanh nghiệp tiếp tục đón tiếp nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra. “Chúng ta chống tham nhũng đương nhiên, nhưng phải chĩa chỗ nào cho chính xác chứ không phải chĩa tràn lan như thế”, ông Vân nói.
Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Đồng thời, những vụ án nào trong lĩnh vực kinh tế phải đẩy nhanh, xử lý nghiêm minh để ngăn chặn, gây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tránh điều tra, xử lý dàn trải, kéo dài, “doanh nghiệp nào cũng lo lắng, thấp thỏm, sợ mình vi phạm nên không dám làm gì”.
Trong lĩnh vực bất động sản, ông Vân lo lắng khi hàng loạt dự án ở TP HCM “bị treo, nằm im”. Đây là những vấn đề nghiêm trọng, nếu không tháo gỡ ngay, nguy cơ hàng loạt hệ lụy đối với nền kinh tế. Theo ông, nguyên nhân của những vấn đề này là thể chế, pháp luật không ổn định, chất lượng cán bộ yếu kém.
Ông kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế để thực hiện đột phá về tổ chức nhân sự và thể chế kinh tế. Chính phủ cần sớm có chương trình đối phó ngắn hạn với tình trạng “tiệm cận suy thoái”, trong đó tập trung vào chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh phát biểu sáng 25/5. Ảnh: Phạm Thắng
Đại biểu Đinh Ngọc Minh, chuyên trách Ủy ban Kinh tế, băn khoăn khi giải pháp tháo gỡ khó cho doanh nghiệp, nền kinh tế mà Chính phủ đưa ra “không khác so với báo cáo năm trước đây, kỳ trước đây”.
Thay vào đó, báo cáo nên tập trung giải pháp giảm chi phí logistic của Việt Nam vì hiện nay đang gấp đôi trung bình của thế giới. “Nếu chúng ta tính GDP 400 tỷ USD, thì hiện Việt Nam mất 80 tỷ USD, trong khi các nước chỉ mất 40 tỷ USD cho chi phí logistic. Đây là số tiền lớn, nếu giải quyết được, nền kinh tế cải thiện và doanh nghiệp được hưởng số tiền này”, ông phân tích.
Ông Minh đề nghị Chính phủ có đề án giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp và có thể tính đến xây dựng thêm các tuyến đường sắt với quy mô 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Quốc hội nghiên cứu xây dựng nghị quyết riêng để phát triển doanh nghiệp trong thời đại mới để phục hồi kinh tế, bao gồm cả hỗ trợ thuế và tránh việc đưa đoàn thanh tra, kiểm tra xuống doanh nghiệp một cách không cần thiết.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cũng lo lắng khi ngành được coi là trụ cột của xuất khẩu như da giày, dệt may, gỗ đều giảm sút trong 4 tháng đầu năm. “Giải ngân vốn chậm, tổng cầu suy yếu cả về tiêu dùng, đầu tư cho thấy sức khỏe kinh tế đang bị bào mòn”, ông nêu.
Đồng tình việc giảm thuế, phí để kích cầu nhưng ông Đồng nói Chính phủ cần khắc phục việc thực thi chính sách, bởi thực tế có chính sách hỗ trợ đưa ra nhưng không giải ngân được. Chẳng hạn gói hỗ trợ 2% không hiệu quả vì điều kiện đưa ra là doanh nghiệp phải có khả năng phục hồi, trả nợ. Việc đánh giá “khả năng phục hồi” không rõ ràng, nên doanh nghiệp đói vốn mà không thể vay.
Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước có nhiều động thái giảm lãi suất điều hành, nhưng thực tế lãi vay vẫn rất cao. Ông Đồng đặt vấn đề, hiệu lực chính sách tài khóa có thực sự phối hợp tốt với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay không.