Điều kiện tiên quyết để là người làm nên đại sự: Khi TỰ TIN, bạn quyền lực và bản lĩnh hơn gấp bội.
Khi tự tin, bạn bản lĩnh và đặc biệt hơn
Công bằng mà nói, những người tự tin luôn được nhận xét là hấp dẫn, đáng tin cậy và thành công hơn người khác, chưa kể năng lực thật sự của họ như thế nào. Như một lẽ dĩ nhiên, đặt một người tự tin vào giữa đám đông luôn cố thuận theo ý kiến người khác, người tự tin sẽ trở nên đặc biệt hơn hẳn.
Bạn chấp nhận và tự hào về con người thực sự của mình. Chính vì thế, sự tự tin đóng vai trò như một nền tảng và chất xúc tác cho toàn bộ quá trình chúng ta giao tiếp với người khác. Thông qua đó, người khác cũng đặt niềm tin, và hướng mọi sự chú ý, thiện cảm vào bạn nhiều hơn.
Đâu là biểu hiện của người thiếu tự tin?
Để nhận thức một người đang tự ti hay tự tin, chúng ta không nhìn vào những gì người đó đang có, mà phải xem họ cho rằng bản thân mình đang có được những gì.
Thông thường, một người càng mong muốn trở nên hoàn hảo lại dễ tự ti. Họ có thói quen lấy sở đoản của mình để so sánh với sở trường của người khác, kết quả thế nào thì đương nhiên, không cần nói cũng đã rõ.
Chẳng hạn như, một người thông minh, học hành giỏi giang nhưng vẫn có thể tự ti vì hâm mộ những ai hoạt bát, năng nổ và giỏi ăn nói trong lớp. Một người xinh đẹp, cao ráo, giỏi ăn nói vẫn có thể tự ti vì mình không có xuất thân thành phố, hoàn cảnh khá giả như các bạn xung quanh. Một người sinh ra trong điều kiện giàu có vẫn có thể tự ti vì gia đình không hoàn chỉnh, chỉ có bố mà không có mẹ…
Không phải tự nhiên mà người ta thường nói: Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Lấy khuyết điểm của bản thân để so sánh với ưu điểm của người khác thì lại càng khập khiễng hơn cả. Càng “nuôi dưỡng” những suy nghĩ như vậy, người ta lại càng cảm thấy hổ thẹn, thất vọng về mình, tâm tính càng tự ti và hướng nội nhiều hơn.
Khi nội tâm họ luôn nằm trong trạng thái lo âu, thiếu cảm giác an toàn thì dù có sở hữu những điều kiện tốt đẹp hơn nữa, họ cũng vô tình gạt bỏ mọi điều khỏi nhận thức bản thân. Tâm trí lúc nào cũng chỉ xoay quanh những điều xui rủi, thiếu sót của mình. Đây là một dạng tâm lý tự hoài nghi, tự phủ nhận… có thể dẫn tới các vấn đề tâm lý nguy hiểm về lâu dài.
Biểu hiện của sự tự ti rất đa dạng, có nhiều mức độ nặng và nhẹ khác nhau, ví dụ như là:
1. Là người theo chủ nghĩa hoàn hảo, rất chú ý đến các tiểu tiết dù là nhỏ nhặt đến mấy, luôn bắt buộc bản thân phải xử lý hoàn thiện hơn người khác.
2. Trong tình cảm, vừa trốn tránh lại vừa khao khát vì sợ cảm giác bị người khác phủ nhận, thường xuyên chấp nhận sự ấm ức để làm hài lòng mọi người.
3. Sợ ánh mắt, đánh giá và bình luận của người khác, thường dễ bị chi phối/tác động bởi người xung quanh, thiếu chủ kiến khi đưa ra quyết định của mình.
4. Luôn muốn thể hiện mình mạnh mẽ, cứng cỏi trước mặt người khác, dù bên trong cảm xúc thì tự ti, do đó hình thành tính hiếu thắng mạnh mẽ.
5. Có xu hướng trì hoãn khi gặp vấn đề.
6. Thường “suy diễn” ra vô số tình huống có thể xảy ra, mà đa phần trong đó đều là những khả năng tiêu cực
Tự tin là khởi đầu của người làm nên đại sự
Tâm lý tự ti không hình thành chỉ trong một sớm một chiều, do đó, sự tự tin cũng không thể bồi dưỡng chỉ trong giai đoạn nhất thời. Muốn giải quyết, việc đầu tiên cần làm là giải quyết được hai điểm cơ bản: Cảm giác an toàn và tự khẳng định bản thân. Quá trình này cần sự kiên nhẫn, tỉ mẩn và quyết tâm trong từng hành động.
Có một số cách rèn luyện được khuyến nghị sau đây:
1. Học cách tự đưa ra quyết định
Thay vì ỷ lại vào suy nghĩ của người khác, bạn cần tự xây dựng nên hệ thống đánh giá cho riêng mình. Muốn làm điều đó theo hướng chuẩn xác nhất, điều đầu tiên bạn nên làm đó chính là bổ sung kiến thức, năng lực cho bản thân. Đọc nhiều sách hơn là một cách hữu hiệu để mở rộng vốn hiểu biết.
Khi viết ra những phương án, lý do tại sao lại quyết định như vậy, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn để từ đó lựa chọn cách giải quyết tốt nhất. Đây cũng là cách để biết được bản thân đã suy nghĩ những gì và dành thời gian tìm hiểu cho việc nào nhiều nhất, sau đó sử dụng phương pháp loại trừ để có được đáp án phù hợp.
Một khi đưa ra quyết định, hãy kiên trì thực hiện nó chứ đừng “thay lòng đổi dạ” ngay lập tức. Dù bạn lựa chọn đúng hay sai, sau khi hoàn thành các công việc, bạn cần đánh giá lại và tìm ra các giải pháp để những lần sau rút ngắn được thời gian/quá trình đi đến các quyết định.
2. Tạo môi trường sống tích cực
Bạn nên học cách tránh xa các nguồn cơn áp lực, những năng lượng tiêu cực có thể tác động tới tâm trí, góp phần hình thành cảm giác thiếu an toàn và tự hoài nghi về bản thân. Sự thay đổi từ môi trường sẽ giúp bạn định hình lại thói quen suy nghĩ, tư duy hiệu quả hơn khi không gặp phải tác nhân bên ngoài.
Suy nghĩ tạo ra hành động, hành động hình thành thói quen và thói quen tạo nên tính cách, tính cách lại thay đổi vận mệnh. Do đó, sự tích cực từ cả bên trong lẫn bên ngoài đều đóng vai trò vô cùng cần thiết.
3. Ưu tiên phát triển sở trường bản thân
Thay vì lo lắng những mặt hạn chế của bản thân, bạn hãy nhìn nhận theo một góc độ khác. Ai cũng có điểm mạnh của riêng mình. Nếu có thể ưu tiên phát triển nhiều hơn, bạn sẽ tìm được giá trị thực sự của bản thân, biến nó thành động lực giúp mình tiến lên, mạnh dạn làm điều mình muốn và dám tự khẳng định chính mình. Thường xuyên hoàn thành những việc thuộc sở trường, cảm giác thành công sẽ dần thay thế sự tự tin, góp nhặt từng chút để loại bỏ cảm giác bất lực với cuộc sống.
4. Đối mặt với nỗi sợ hãi
Khi gặp những tình huống không quá quen thuộc, người ta thường trở nên âu lo và bất an, sinh ra cảm giác muốn trốn tránh trong tiềm thức. Chính nỗi sợ hãi vô căn cứ này sẽ khiến bạn bỏ lỡ nhiều cơ hội. Đôi khi, cần phải tự “ác” với bản thân trước khi cuộc đời ác với bạn. Hãy ép mình đối diện với những âu lo để từ đó tìm cách giải quyết, khống chế được nó.
Phương Thúy
Theo Trí thức trẻ