Để đạt được kết quả tốt nhất, đừng cống hiến tất cả sức lực mà chỉ dừng ở 85%: Quy luật tưởng vô lý nhưng lại hiệu quả không ngờ trong công việc
Gần đây, khi đang theo dõi một podcast, tôi có nghe một câu chuyện nọ làm thay đổi quan điểm của tôi về công việc.
Đó là một tập trong chương trình The Tim Ferris Show mà nam diễn viên nổi tiếng Hugh Jackman làm khách mời. Họ cùng nhau kể lại câu chuyện về một vị huấn luyện viên môn chạy nước rút vô cùng thần tượng Carl Lewis – huyền thoại điền kinh từng 9 lần đoạt huy chương vàng Thế vận hội. Vị huấn luyện viên không hiểu tại sao mà Lewis luôn ở vị cuối cùng hoặc thứ hai từ dưới lên trong vòng 40m đầu tiên, nhưng luôn là người chiến thắng cuộc thi chạy nước rút 100m.
Nhiều người cho rằng, Lewis chỉ đơn giản là một vận động viên có tốc độ xuất phát chậm nhưng biết bứt phá ở những phút cuối. Tuy nhiên, sau khi xem băng ghi hình từ một góc khác, vị huấn luyện viên phát hiện ra Lewis sử dụng một chiến lược khác biệt. Nam diễn viên Hugh Jackman giải thích như sau:
Carl Lewis trong giải vô địch điền kinh năm 1993. (Ảnh: Gilbert Iundt; Dimitri Iundt/Contributor/Getty Images).
“Vị huấn luyện viên nhận ra rằng Carl Lewis chẳng làm gì cả ở mốc 50m hay 60m. Hơi thở của anh ta vẫn vậy. Dáng người của anh ta vẫn y nguyên như ở mốc 25m và 50m. Trong khi đó, các vận động viên còn lại thì nỗ lực hết sức để chạy về đích. Họ nghĩ: “Cần phải cố gắng cật lực hơn nữa!”. Gương mặt họ nhăn lại, quai hàm siết chặt, tay nắm thành đấm. Vậy mà Carl Lewis vẫn giữ nguyên tư thế và từ từ vượt qua tất cả bọn họ.”
Theo Hugh Jackman, chiến thuật này được biết tới dưới tên gọi “Quy luật 85%”. Là một người thường xuyên quá tải với công việc, đến mức bị kiệt sức và rối loạn lo âu, tôi hay sử dụng quy luật này để làm việc hiệu quả hơn, tìm ra nhiều ý tưởng sáng tạo hơn và thư giãn sau đó.
Mấu chốt nằm ở chỗ: bạn chỉ nên bỏ ra 85% sức lực thay vì 100%. Cố gắng để không thể hiện toàn bộ khả năng của mình là việc cực kỳ khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh ai cũng đều cảm thấy cuộc sống này thật bấp bênh. Tuy nhiên, dồn hết sức mình cho công việc không phải một phương pháp hiệu quả. Chỉ khi tâm trí thư giãn, bạn mới có thể làm việc hiệu quả và đem lại kết quả tốt.
Là một nhà văn, tôi thường vội vàng viết hết bài này đến bài khác, đến mức làm hỏng chính ngòi bút của mình. Một người bạn sau khi đọc xong đã bình luận: “Tôi cảm giác như anh đang mắng vào mặt tôi trong bài viết, và điều này làm tôi tổn thương”. Đây không phải là lời nhận xét hay ho gì đối với một tác giả chuyên viết để truyền cảm hứng tích cực, giúp mọi người sống tốt đẹp hơn.
Bạn chỉ nên dùng 85% sức lực của mình để tập trung vào những mục tiêu quan trọng và loại bỏ những thứ gây xao nhãng, mà không khiến cuộc sống của người khác trở nên khó khăn hơn. Hãy từ chối những lời mời khiến bạn phí hoài thời gian, dành thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục, tìm cách để nhắc nhở bản thân sống chậm lại và tận hưởng cuộc sống.
Đây là một câu chuyện khác cũng giúp tôi rất nhiều: Trong cuốn sách “Hell Yeah Or No”, doanh nhân kiêm tác giả Derek Sivers kể rằng, con trai ông rất thích leo núi, nhưng cậu luôn bị say xe trên đường đi. Một ngày nọ, Sivers quyết định sẽ lái xe thật chậm. Nhờ vậy mà con trai của ông không bị nôn, đồng thời cả hai cha con có cơ hội được chiêm ngưỡng cảnh đẹp hai bên được. Khó khăn duy nhất mà gia đình Sivers gặp phải là những tài xế đi đằng sau – những người bực tức vì tốc độ của họ. Vì thế, Sivers đã thử một cách khác. Vị doanh nhân xoay gương chiếu hậu hướng về phía bầu trời, do đó ông có thể tập trung vào chuyến đi của mình.
Khi bắt đầu làm việc với 85% sức lực, bạn có sẽ phải xoay gương chiếu hậu hướng về phía bầu trời. Dù vậy, bạn cũng không nên bung hết 100% khả năng của mình ra nếu bạn còn cả một chặng đường dài phía trước. Thành quả cuối cùng mà bạn nhận được sẽ chính là thành quả mà bạn cảm thấy tự hào nhất.
Bài chia sẻ của Tim Dennings – blogger người Australia chuyên viết bài cho CNBC và Business Insider về chủ đề phát triển bản thân và kỹ năng kinh doanh.
(Theo Medium)
Ngọc Hà /Theo Trí thức trẻ