Cổ phiếu rác
Công việc tưởng chừng đơn giản và có phần máy móc đó, trên thực tế giúp rất nhiều nhà đầu tư có thể nhìn vào bản chất báo cáo tài chính của doanh nghiệp và ra quyết định đầu tư đúng đắn.
Sự kiện tăng vốn ảo, sau đó làm giá chứng khoán FLC Faros đã được cơ quan chức năng kết luận. Nhiều vấn đề đặt ra từ sự kiện này, bao gồm chất lượng công bố thông tin, chất lượng quản trị doanh nghiệp, chất lượng hàng hóa chứng khoán và các hành vi sai trái của chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có một thực tế là cổ phiếu của các công ty có nhiều vấn đề này vẫn thu hút sự tham gia đông đảo nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam, bất chấp thông tin về việc tăng vốn ảo đã được công bố và có phần khá minh bạch. Doanh nghiệp thậm chí không có ý định giấu diếm khi liên tục trong một ngày đặt 18 lệnh chuyển tiền góp vốn và rút tiền ra ngoài.
Mã chứng khoán ROS của FLC Faros vẫn có tới 38.371 cổ đông – theo tài liệu họp cổ đông đầu năm 2021. Tôi không nghĩ rằng đây chỉ bao gồm các nhà đầu tư thực sự muốn đánh cược với ROS.
Nhìn rộng ra, các nhóm cổ phiếu thuộc nhóm có liên quan đến Tập đoàn FLC, bao gồm mã FLC, ADM, KLF, ART, HAI và ROS có tổng cộng khoảng 186.000 cổ đông tham gia sở hữu. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì các cổ đông đã bán ra trước khi chốt quyền.
Đầu tư luôn có nhiều trường phái khác nhau như đầu tư giá trị, đầu tư lướt sóng, nhưng chất lượng hàng hóa cần có những quy chuẩn nhất định và quan trọng hơn là thông tin cần minh bạch hơn nữa và các hành vi thao túng chứng khoán, gian lận báo cáo tài chính cần được xử lý.
Nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 85% tổng giá trị giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính vì thế tôi nhận ra rằng nhà đầu tư cá nhân nên lưu ý về các dấu hiệu của một cổ phiếu “rác” để có thể giúp tránh những rủi ro không đáng có.
Thứ nhất, đó là những doanh nghiệp tăng vốn nhiều lần với giá trị lớn nhưng mục đích không rõ ràng. Việc tăng vốn có thể bằng tiền mặt từ các cổ đông, hoặc hoán đổi cổ phiếu với những doanh nghiệp không rõ tên tuổi, ít người biết đến. Số tiền góp vốn thường được rút khỏi doanh nghiệp dưới dạng các khoản đầu tư, ủy thác và cho vay nhưng thu nhập mang lại không đáng kể. Kinh nghiệm của tôi là nhà đầu tư có thể phán đoán bằng cách lấy thu nhập tiền lãi được ghi nhận đó chia cho số dư tiền gửi bình quân trong kỳ và có thể thấy thấp bất thường so với lãi tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dài.
Thứ hai, đó là những doanh nghiệp có báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Theo quy định, báo cáo tài chính hàng năm của công ty đại chúng phải được kiểm toán và báo cáo bán niên phải được rà soát bởi công ty kiểm toán độc lập trước khi công bố chính thức ra thị trường. Tuy nhiên, có lẽ không nhiều nhà đầu tư để ý và đọc kỹ các thông tin này trong quá trình đánh giá và ra quyết định đầu tư. Rất nhiều trường hợp báo cáo kiểm toán nêu rõ các ý kiến cần lưu ý và sự bất đồng về những khoản mục cụ thể mà doanh nghiệp không đồng ý điều chỉnh báo cáo tài chính. Trong nhiều trường hợp, nếu điều chỉnh các khoản này thì có khi một doanh nghiệp đang báo cáo lãi sẽ thành lỗ hoặc bức tranh về kết quả kinh doanh hay tình hình tài chính có thể thay đổi rất lớn.
Một công ty niêm yết có thể bị hủy niêm yết bắt buộc nếu như tổ chức kiểm toán không chấp nhận kiểm toán, có ý kiến trái ngược, từ chối đưa ra ý kiến hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong ba năm liên tiếp. Quy định này cho thấy tầm quan trọng của ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong báo cáo tài chính công ty.
Thứ ba, doanh nghiệp có các khoản ủy thác đầu tư lớn cho ban lãnh đạo hoặc người liên quan, đầu tư vào các dự án liên quan hoặc thậm chí cho vay dưới nhiều hình thức khác nhau. Các khoản đầu tư này thông thường doanh nghiệp sẽ buộc phải thuyết minh trên báo cáo tài chính. Đó thường là những khoản tồn tại trong thời gian dài mà hiệu quả đem lại chưa rõ ràng hoặc chưa được thuyết minh cụ thể.
Thứ tư, doanh nghiệp có giá trị tài sản vô hình lớn nhất là sau các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) hay mua lại các dự án và công ty liên quan với giá trị cao hơn nhiều so với giá trị sổ sách của công ty hoặc dự án được mua lại và hợp nhất vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp đó. Gọi là “tài sản vô hình” bởi thông thường giá trị tài sản có được nhờ sự thống nhất giữa các cổ đông mặc dù đã được định giá độc lập theo quy định. Thực tế có một số doanh nghiệp dùng biện pháp này để tăng vốn “khủng” qua việc định giá công ty hay dự án được hợp nhất ở mức rất cao so với giá trị thực của tài sản đó.
Ví dụ một doanh nghiệp trong ngành bất động sản niêm yết đã định giá một công ty con lên 10 lần giá trị sổ sách của nó và hợp nhất, sau đó niêm yết ở giá gấp đôi giá trị sổ sách (gọi là giá 2 chấm). Khi đó, về bản chất, công ty con đó đã được định giá ở mức 20 lần giá trị sổ sách thông qua việc hợp nhất vào đơn vị niêm yết. Dĩ nhiên, việc định giá 10 chấm này là đắt hay rẻ sẽ phụ thuộc vào giá trị thực của đơn vị được mua lại. Đánh giá được vấn đề này là một thách thức với hầu hết nhà đầu tư cá nhân. Đây là điều mà nhà đầu tư cần đánh giá cụ thể. Thông thường khi xác định mức định giá theo vốn chủ sở hữu hoặc so sánh với các doanh nghiệp khác, nhà đầu tư nên loại phần giá trị lợi thế thương mại này ra.
Thứ năm, một doanh nghiệp được sở hữu qua lại, xoay vòng hoặc “nối đuôi nhau” giữa một nhóm công ty liên quan, hoặc có nhiều giao dịch với nhau, đặc biệt là cho vay hoặc giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ qua lại.
Dĩ nhiên, cổ phiếu rác không chỉ bởi các vấn đề về minh bạch thông tin tài chính hay tăng vốn ảo mà còn là câu chuyện của diễn biến giá cổ phiếu và các dấu hiệu giao dịch bất thường.
Những chia sẻ trên đây có thể không quan trọng với những người theo trường phái “lướt sóng” hay đầu tư thiên về dựa vào chỉ báo kỹ thuật. Tuy nhiên, dù là đầu tư theo trường phái nào, thì việc tránh hoặc nhận diện các “cổ phiếu rác” cũng giúp nhà đầu tư có thể hạn chế đáng kể những rủi ro.
Những sai lầm trên sàn chứng khoán chưa bao giờ rẻ.
Nguyễn Quang Thuân