Chuyên gia The Economist Intelligence Unit: Mỹ đe dọa rút khỏi WTO, tình hình Trung Quốc phức tạp, đối thủ số 1 và nguy cơ hàng đầu của Việt Nam là gì?

16 Th12, 2023
avatar post

 Chuyên gia The Economist Intelligence Unit: Mỹ đe dọa rút khỏi WTO, tình hình Trung Quốc phức tạp, đối thủ số 1 và nguy cơ hàng đầu của Việt Nam là gì? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump ngày càng thể hiện rằng ông không thích toàn cầu hóa cũng như các tổ chức đa phương. Mới đây Mỹ đã rời WHO, trước đó cũng đã từng rút khỏi TPP và nhiều lần đe dọa rời WTO. 

Ngài Trump cũng đang xem xét rút khỏi thỏa thuận toàn cầu về hợp đồng mua sắm chính phủ trị giá 1.700 tỷ USD của Tổ thức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu việc này xảy ra, các đồng minh thân cận của Mỹ cũng sẽ không được ưu đãi trong đấu thầu các gói thầu mua sắm của chính phủ Mỹ, đồng thời phải tuân theo luật mua sản phẩm của Mỹ. Các nhà đầu tư nước ngoài khác sẽ khó có thể tham gia đấu thầu các hợp đồng này. Quy mô hiện tại của thị trường mua sắm của chính phủ Mỹ vào khoảng 837 tỷ USD.

Một số chuyên gia nhận định, quan điểm chung của phía Mỹ đang là: WTO cần Mỹ hơn Mỹ cần WTO. Trước đó, Tổng thống Trump cũng từng nhiều lần đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi WTO nếu họ không sửa đổi các điều khoản mà ông cho là “có lợi cho Trung Quốc” và đơn phương xóa bỏ các ưu đãi theo quy chế của WTO dành cho một loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển.

“Ngài Trump và chính quyền của ông đã chỉ trích WTO trong suốt thời gian qua. Họ muốn ngăn chặn những ảnh hưởng thương mại của tổ chức này – bị ông Trump cho là đang “thiên vị” một số nền kinh tế – đến mức họ đe dọa sẽ rời đi. Nhưng điều này không hoàn toàn có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ rút hoàn toàn khỏi WTO. Tôi cho rằng Mỹ vẫn sẽ sử dụng WTO như một phương án dự phòng cho thương mại tự do” – ông John Marrett – Chuyên gia phân tích cấp cao về khu vực Đài Loan, Hong Kong và Việt Nam, đồng thời là Giám đốc Dịch vụ Rủi ro Quốc gia cho khu vực châu Á tại The Economist Intelligence Unit (The EIU) trả lời phóng viên Trí Thức Trẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Chuyên gia The Economist Intelligence Unit: Mỹ đe dọa rút khỏi WTO, tình hình Trung Quốc phức tạp, đối thủ số 1 và nguy cơ hàng đầu của Việt Nam là gì? - Ảnh 2.

“Giả sử, nếu một quốc gia rút khỏi các thỏa thuận thương mại đa phương, khu vực hoặc song phương, thì quốc gia đó sẽ trở lại với mức thuế WTO khi giao thương với các quốc gia là thành viên của WTO, không có phân biệt đối xử” – ông Marrett nói thêm.

Ông giải thích, việc hưởng mức thuế suất đó đồng nghĩa với việc quốc gia này cũng có nghĩa vụ phải giữ những mức thuế do WTO quy định. Và nó sẽ là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của Mỹ. Bởi nếu như Mỹ rời WTO và sau đó tăng thuế đối với các nước khác, họ cũng sẽ phải đối mặt với sự tăng thuế đồng loạt từ nhiều quốc gia đối với hàng hóa của Hoa Kỳ.

“Vì vậy, Hoa Kỳ sẽ phải đánh đổi rất nhiều nếu muốn rời đi. Đó là một cái giá quá đắt. Tôi không cho rằng Hoa Kỳ sẽ rời WTO” – ông Marrett khẳng định.

Xu hướng bảo hộ đã được ông Trump khởi xướng ngay trong chiến dịch tranh của năm 2016 của ông. Chỉ mới trong tuần đầu tiên nhậm chức, ông đã rút khỏi TPP và sau đó là khởi xướng một cuộc chiến thương mại “trường kỳ” với Trung Quốc, khẳng định sẽ mang việc làm về Mỹ, khiến Trung Quốc phải trả giá. 

Nhưng mới đây, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đã thống kê rằng: cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đã và đang có nguy cơ gây thiệt hại lên đến hơn 1,7 nghìn tỷ USD cho các doanh nghiệp Mỹ. 

“Rõ ràng, nếu bạn nhìn vấn đề từ quan điểm của các công ty Mỹ, thì Mỹ chẳng được lợi gì. Nếu một công ty bị buộc phải tìm nhà cung cấp thay thế cho Trung Quốc, họ có thể sẽ bị buộc phải trả nhiều tiền hơn. Nếu không tìm nơi khác thì lại bị áp thuế. Vì vậy, các công ty chẳng được lợi gì từ đó cả.

Thế còn từ quan điểm người lao động, Mỹ có đang giành lại nhiều việc làm hơn? Câu trả lời của tôi là không.

Ông Trump có thể sẽ là người duy nhất thấy yên tâm hơn. Nhưng chắc chắn thương chiến sẽ không trấn an được người dân hay các công ty. Các công ty đều hiểu rằng nếu quay lại Mỹ thì chi phí sẽ đội lên rất nhiều. Hoặc nếu có thực sự quay lại Mỹ vì lợi thế trình độ công nghệ so với các nước đang phát triển, thì các công ty cũng sẽ tự động hóa quy trình sản xuất nhiều hơn, nên dù thế nào thì họ cũng không thực sự mang lại nhiều công việc như những gì người ta nghĩ lúc ban đầu.

Chuyên gia The Economist Intelligence Unit: Mỹ đe dọa rút khỏi WTO, tình hình Trung Quốc phức tạp, đối thủ số 1 và nguy cơ hàng đầu của Việt Nam là gì? - Ảnh 3.

Rất nhiều công ty Mỹ đang rời Trung Quốc, kéo theo đó là các công ty của các quốc gia đồng minh với Mỹ. Chính phủ Nhật Bản tháng trước đã công bố dành ra một quỹ 2,2 tỷ USD để trả cho các nhà sản xuất của họ chỉ để rời khỏi Trung Quốc. Samsung cũng khởi đầu cho một cuộc “di cư” của nhiều công ty Hàn Quốc, theo sau bởi Hyundai, LG, Lotte…

“Đúng là các công ty Hoa Kỳ đang rời khỏi Trung Quốc, và cả các công ty đa quốc gia từ các nước phát triển khác cũng đã và đang có kế hoạch rời Trung Quốc. Những công ty đó, họ không còn mở rộng hoạt động ở Trung Quốc nữa. Thay vào đó, họ tìm kiếm những địa điểm khác để phát triển hoạt động, chủ yếu vì lý do chi phí ở đó đang tăng cao. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh rằng, đây là quá trình dài hạn, nó không xảy ra đột ngột” – chuyên gia kinh tế EIU nói.

“Mặt khác, Trung Quốc cũng không còn quá phụ thuộc vào sản xuất, xuất khẩu nữa. Trung Quốc đã phát triển những lĩnh vực có giá trị cao hơn rất nhiều. Họ cũng hướng về thị trường nội địa nhiều hơn vì bản thân thị trường nội địa Trung Quốc cũng đang giàu lên.

Chuyên gia The Economist Intelligence Unit: Mỹ đe dọa rút khỏi WTO, tình hình Trung Quốc phức tạp, đối thủ số 1 và nguy cơ hàng đầu của Việt Nam là gì? - Ảnh 4.

So với rất nhiều quốc gia khác, ngay cả các quốc gia trong khối EU, Trung Quốc cũng không còn định hướng xuất khẩu quá lớn. Điều này có vẻ hơi lạ, có hơi trái với những nhận thức thông thường của chúng ta. Vì ta vẫn thấy gần tất cả mọi thứ đều “Made-in-China” đúng không (cười)? Mọi thứ đều được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng đó là vì Trung Quốc rất lớn. Dân số của họ tới 1,4 tỷ người, tức là 1/6 dân số toàn cầu đang ở Trung Quốc”.

Nhưng tôi muốn tách biệt hai ý: Trung Quốc có thể vẫn là công xưởng của thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế của họ hoàn toàn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Dù thị trường nội địa thời gian vừa qua đã có dấu hiệu suy yếu, nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn có rất nhiều dư địa chính sách. Ông John Marrett cho rằng, Trung Quốc không bị đặt vào một tình thế quá khó khăn về mặt tài chính, bao gồm cả nợ công. Họ vẫn có thể tài trợ cho các chính sách mở rộng, kiểm soát thâm hụt ở mức độ hợp lý. Vấn đề lớn hơn mà Trung Quốc đang phải đối mặt là khoản nợ doanh nghiệp khổng lồ. 

Chuyên gia The Economist Intelligence Unit: Mỹ đe dọa rút khỏi WTO, tình hình Trung Quốc phức tạp, đối thủ số 1 và nguy cơ hàng đầu của Việt Nam là gì? - Ảnh 5.

Hiện tại, hầu như không quốc gia nào có thể thay thế được quy mô và hiệu quả của sản xuất Trung Quốc, nhưng các công ty vẫn muốn tìm một cơ sở sản xuất ở quốc gia khác để đa phương hóa. 

“Bạn có thể thấy rất rõ lợi thế của các khu công nghiệp công nghệ cao, của dân số rất lớn, năng suất và trình độ chuyên môn của lao động Trung Quốc. Thật khó để tìm được nơi khác có tất cả những lợi thế đó với giá rẻ hơn. Nhưng, những điều này làm cho Việt Nam trở thành cái tên thay thế rất thuận lợi cho một phần sản xuất của Trung Quốc. Tôi tin Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội. Đã có rất nhiều vốn FDI được rót vào để xây dựng các cơ sở sản xuất mới của các công ty đa quốc gia” – ông John nói. 

“Song Việt Nam sẽ phải dè chừng Indonesia, vâng, đó sẽ là đối thủ số 1. Ấn Độ? Có lẽ trong một vài năm tới, vì Ấn Độ có những khó khăn nhất định liên quan đến các bộ máy chính trị và môi trường kinh doanh khá bất cập so với Việt Nam, Phillipines cũng gặp phải vấn đề tương tự. Vì vậy, tôi khá chắc Indonesia sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp hiện tại và tương lai của Việt Nam”.

Chuyên gia The Economist Intelligence Unit: Mỹ đe dọa rút khỏi WTO, tình hình Trung Quốc phức tạp, đối thủ số 1 và nguy cơ hàng đầu của Việt Nam là gì? - Ảnh 6.

Đại diện EIU cũng cảnh báo nguy cơ hàng đầu với Việt Nam: Với sự phát triển của tự động hóa, Việt Nam, cũng các nước đang phát triển khác sẽ có nguy cơ bị đẩy xa khỏi cơ hội làm giàu từ sản xuất – điều Trung Quốc từng đạt được.

“Điều đó là có thể xảy ra, chắc chắn là có thể. Và rất khó để có thể giàu lên theo cách tương tự khi mà nhiều quốc gia đang đi con đường đó hơn. Thời điểm 50, 60 năm trước hoặc lâu hơn trước đó, chiến lược thâm dụng lao động là phù hợp. Nhưng giờ thì không hoàn toàn như vậy nữa, hiện tại có nhiều doanh nghiệp đang đi theo hướng thâm dụng vốn thay vì thâm dụng lao động, nhờ có những công nghệ cao được phát triển liên tục. Vì vậy, lao động giá rẻ không phải là thứ có thể dựa dẫm để phát triển kinh tế lâu dài” – ông John Marrett chia sẻ.

Hoàng An – Hương Xuân

Theo Trí thức trẻ

 
 
Rất nhiều công ty Mỹ đang rời Trung Quốc, kéo theo đó là các công ty của các quốc gia đồng minh với Mỹ. Chính phủ Nhật Bản tháng trước đã công bố dành ra một quỹ 2,2 tỷ USD để trả cho các nhà sản xuất của họ chỉ để rời khỏi Trung Quốc. Samsung cũng khởi đầu cho một cuộc “di cư” của nhiều công ty Hàn Quốc, theo sau bởi Hyundai, LG, Lotte…