Bảo hiểm nhân thọ ‘suốt đời’ làm nhiều người khổ sở

15 Th12, 2023
avatar post

Trong luật hợp đồng của Mỹ, có một nguyên tắc cơ bản, đó là hợp đồng được ký vì bị gây sức ép ở một việc ngoài hợp đồng, thì hợp đồng ấy sẽ bị hủy bỏ khi người “bị ký” yêu cầu.

Nói một cách đơn giản hơn, khi một người ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ bởi vì nếu họ không ký thì sẽ không được giải ngân một khoản vay, thì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đấy sẽ bị luật pháp cho vào “thùng rác”. Hợp đồng phải có sự đồng thuận, mà “bán kèm” gói bảo hiểm với cái hợp đồng cho vay thì không phải là bia kèm lạc, nó là sự chèn ép trắng trợn.

Hoạt động ngân hàng là một hoạt động có tầm quan trọng cao đối với các nền kinh tế. Các điều luật liên quan tới hoạt động ngân hàng vì vậy đã được phát triển chặt chẽ để tránh tai họa liên đới. Niềm tin của người dân đối với ngân hàng mà sụt giảm thì bản thân ngân hàng đó sẽ tiêu, nền kinh tế cũng sẽ khốn khó thêm rất nhiều.

Vì vậy các ngân hàng phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh bất kỳ cái gì không phải là sản phẩm tài chính. Bảo hiểm không phải là một sản phẩm tài chính. Sản phẩm tài chính thật ra chỉ là hoạt động mua bán tiền, còn bảo hiểm là hoạt động mua bán rủi ro. Khi trộn tiền với rủi ro vào chung với nhau rồi bán hai thứ cùng một lúc thì đừng hỏi là tại sao không ai tin tưởng.

Thông thường bảo hiểm rất dễ hiểu: bạn trả một khoản tiền nhất định trong một thời gian nhất định, nếu điều rủi ro xảy ra thì hãng bảo hiểm sẽ bồi thường. Tuy vậy cái điều rủi ro đó là cái gì thì cần phải được định nghĩa kỹ. Chính vì vậy mà có rất nhiều loại bảo hiểm khác nhau, như là bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cộ, bảo hiểm nhà đất, bảo hiểm nghề nghiệp.

Bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm kỳ quặc bậc nhất trong các gói bảo hiểm. Nó được chia ra làm hai loại: loại có kỳ hạn và loại “suốt đời”.

Bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn rất đơn giản: bạn đóng tiền mỗi tháng trong vòng kỳ hạn, khoảng 40 năm, và nếu bạn chết, người nhà sẽ được lãnh tiền. Nếu bạn không có tiền để đóng thì chả sao, bạn chết đi người nhà không được lãnh tiền. Còn loại “suốt đời” thì bạn sẽ phải đóng tiền hàng tháng rất cao nhưng bạn có thể lãnh ra “một cục” ở một thời điểm nào đấy.

Bảo hiểm nhân thọ “suốt đời” là gói bảo hiểm khiến cho nhiều người ở Việt Nam khốn khổ. Nó là sản phẩm bảo hiểm lai tài chính, tức là trộn rủi ro với tiền bạc, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi bao người khóc lóc vì nó.

Mỹ, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ “suốt đời” này không có chỗ đứng. Đó là bởi vì bảo hiểm mạng sống để lo cho con cái nếu mình chết đột ngột thì đã có bảo hiểm nhân thọ kỳ hạn. Còn để đầu tư thì có rất nhiều kênh đầu tư có thể đẻ ra tiền, lợi hơn hẳn cái sản phẩm bảo hiểm nhận thọ “suốt đời”.

Việc trộn luôn bảo bảo hiểm y tế để chi trả tiền đi viện nếu bị bệnh nặng vào cái gói bảo hiểm nhân thọ này đã khiến cho mọi thứ đã rối lại càng rối. Các quy định về việc nhân viên tư vấn bảo hiểm phải giải thích cặn kẽ sẽ không có tác dụng gì hết khi mà bản thân cái sản phẩm bảo hiểm lại mang qua nhiều rủi ro như vậy.

Không phải tình cờ mà các nước phát triển đã tách bạch bảo hiểm ra nhiều loại khác nhau và tách bạch bảo hiểm với ngân hàng.

Một sản phẩm bảo hiểm mà vừa trả tiền khi người mua chết, vừa có thể lãnh ra một cục và một thời điểm nhất định, vừa chi trả tiền khi bệnh nặng thì là một sản phẩm mua bán hai thứ rủi ro là sức khỏe và tính mạng, lại kết hợp luôn sản phẩm đầu tư vào, thì tới người bán cũng không hiểu nỗi chứ đừng nói tới người mua.

Cái tệ nhất là các công ty bán mấy cái sản phẩm như vậy liệu có khả năng chi trả hay không mới là đáng lo nhất.

Điều mà cơ quan chức năng cần làm là siết chặt luật liên quan dịch vụ bảo hiểm, tách bạch các loại bảo hiểm và cấm trộn chung “tùm lum”. Đồng thời đưa ra các điều luật chặt chẽ về việc có thể bán loại bảo hiểm nào trong bao nhiêu năm với số tiền được rút ra khoảng bao nhiêu phần trăm.

Đại khái là cho dù người ký hợp đồng không rành rẽ đi chăng nữa thì các công ty bảo hiểm cũng không được đưa ra những cái hợp đồng mà họ ăn quá dày. Chẳng hạn như là không được đưa ra sản phẩm kiểu đóng 700 triệu mỗi năm, 10 năm sau chỉ lãnh về có 4 tỷ. Những hợp đồng kiểu này được gọi là “unconscionable”– hợp đồng vô lương tâm được đưa ra với mục tiêu lừa đảo người khác.

iệc các công ty bảo hiểm đưa ra những hợp đồng dày dằng dặc không ai hiểu nổi không có gì kỳ lạ, bởi vì nó được viết bởi những luật sư dày dặn kinh nghiệm. Khi người mua sản phẩm bảo hiểm là người bình thường thì họ không hiểu nổi cũng bình thường.

Vì vậy các sản phẩm mang tính hợp đồng như bảo hiểm thường bị pháp luật quy định rất chặt chẽ nhằm tránh trường hợp phải đóng tới 74 năm, hay là đóng 10 năm nhận về số tiền quá ít so với số tiền mình đóng. Nói cách khác, các sản phẩm đưa ra đã có pháp luật quy định rõ ràng, có muốn ăn gian cũng khó.

Còn với người mua bảo hiểm nhân thọ hiện nay, tốt hơn hết là không nên mua loại “có thể rút được tiền ra”. Những gói bảo hiểm này là lai tạo với sản phẩm tài chính. Nó cũng giống như trộn tiền bạc với rủi ro, nhất định không nên sờ vào.

Khanh Huỳnh

Theo vnexpress.net