Bạn có biết Warren Buffett cũng từng liên tiếp mắc sai lầm?
Khó khăn lắm mới có dũng khí tự tin bắt đầu thử thách làm một việc mà mình luôn sợ hãi, khó khăn lắm mới chế ngự được nỗi lo thất bại trong lòng và bắt tay hành động, nhưng cuối cùng bạn lại làm sai. Lúc này bạn sẽ có tâm trạng và cảm giác thế nào? Bạn cảm thấy hối hận đáng lẽ mình không nên làm ngay từ đầu? Hay bạn muốn lùi trở về vòng tròn an toàn của mình và không bao giờ muốn mạo hiểm tiến lên nữa?
Bạn không muốn làm một kẻ nhu nhược nên bạn sẽ luôn nỗ lực xóa bỏ rào cản tâm lí tự thu mình bảo vệ bản thân theo bản năng. Vậy bạn định thuyết phục bản thân rằng làm sai chẳng có gì to tát thế nào?
Có lẽ câu nói của Soichiro Honda – Chủ tịch tập đoàn Honda có thể trả lời giúp bạn: “Khi ngày tháng trở nên tăm tối và mờ mịt có nghĩa là báu vật chúng ta vẫn tìm kiếm bấy lâu sắp được tìm thấy rồi. Niềm hi vọng vĩ đại cùng ánh hào quang xuất hiện trong nháy mắt khi chạm tới báu vật sẽ khiến chúng ta lập tức quên đi những khó khăn vất vả đã phải trải qua trong những ngày tháng lao động miệt mài ấy”.
Ai lại không từng mắc lỗi? Mắc lỗi sai chẳng có gì to tát. Quan trọng nhất là chúng ta nhìn nhận sai lầm thế nào.
Warren Buffett là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới, dường như ông có năng lực đoán trước mọi việc. Thế nhưng bạn có biết Buffett cũng từng liên tiếp mắc sai lầm? Năm 1965, Buffett đã mua cổ phiếu giành quyền kiểm soát công ty Berkshire Hathaway. Khi đó trong tài khoản của công ty này có khoảng 22 triệu đô la Mỹ, toàn bộ tiền được đầu tư vào ngành dệt may.
Chín năm trước đó công ty Berkshire Hathaway đã bắt đầu xuất hiện tình trạng thua lỗ, mặc dù biết rõ tình cảnh trước mắt của ngành dệt may không khả quan, nhưng do giá cổ phiếu của công ty trên thị trường rớt xuống quá thấp nên Buffett không cưỡng lại được món hời này mà mua vào.
Sau đó thì sao? Công ty này không hề kiếm về cho Buffett một xu nào. Mặc dù sau này công ty ý thức được tình cảnh của ngành dệt may không mấy tiến triển vì thế mà đa dạng hóa kinh doanh, tiến quân vào ngành khác như bảo hiểm, nhưng do đội ngũ quản lí cấp cao từ trước tới giờ chỉ hiểu biết về ngành dệt may nên khi đối mặt với tình hình cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, sự kinh doanh đa ngành của công ty lại không hề thành công, lợi nhuận mang về cho các cổ đông ít tới mức đáng thương. Bất kể chủ tịch Hội đồng quản trị và các cấp quản lí cố gắng thế nào, kết quả cuối cùng công ty vẫn không thoát khỏi số mệnh bị bán đấu giá. Lần đầu tư thất bại này chính là một hành động sai lầm của Buffett.
Buffett đã nhận được bài học sâu sắc từ việc này, ông đã tổng kết ra bốn quy tắc lớn:
1- Không được vì giả rẻ mà mua cổ phiếu của một công ty không có tương lai.
2- Tránh những công ty kinh doanh khó khăn, đừng bao giờ nghĩ có thể giúp họ hồi sinh;
3- So với việc tốn tiền mua cổ phiếu của công ty kinh doanh trung bình, thà bỏ ra một số tiền hợp lí để đầu tư cổ phiếu vào công ty kinh doanh tốt;
4- Một công ty kinh doanh tốt thì chưa đủ, đội ngũ quản lí của công ty cũng phải đủ giỏi.
Chính bốn quy tắc vàng này đã giúp con đường đầu tư sau này của ông thành công rực rỡ, để ngày nay chúng ta thấy được một bậc thầy đầu tư đánh đâu thắng đó.
Hãy nhớ rằng, sai lầm không đẩy bạn vào đường cùng. Mắc sai lầm rồi thì kịp thời sửa sai và cố gắng trả giá mức thấp nhất mới là việc bạn nên chú tâm.
Theo TN/ Trí Thức Trẻ