78 tuổi vẫn chưa nghỉ hưu, doanh nhân tiết lộ 8 bài học về tiền bạc và thành công: Tiếc là nhiều người chỉ được dạy khi đã quá muộn
Bài viết dưới đây là quan điểm của Peter Buckman. Ông là một nhà văn, nhà biên kịch phim nổi tiếng tại Anh. Năm 2003, ông đã thành lập The Ampersand Agency – công ty đại diện cho các biên kịch và nhà văn. Người đầu tiên ông thu nhận chính là Vikas Swarup – tác giả cuốn “Triệu phú khu ổ chuột”.
Trong cuốn sách thứ 8 của mình – “Still With It” – ông đã tổng hợp toàn bộ những bài học cuộc sống mà mình đã thu lượm được trong suốt mấy chục năm cuộc đời.
Ở tuổi 78, tôi đã kết hôn với người phụ nữ mình yêu thương và sống cùng 2 cô con gái tài giỏi. Chúng tôi đã lên chức ông bà và có 2 đứa cháu ngoại.
Cuộc sống luôn có những thăng trầm. Tôi từng 2 lần được chẩn đoán mắc ung thư. Tuy nhiên khi nhìn lại cuộc sống và sự nghiệp văn chương của mình, tôi cảm thấy mình thật thành công và hạnh phúc.
Sống gần 80 năm trên đời, tôi đã rút ra 8 bài học quan trọng về thành công, tiền bạc và hạnh phúc:
1. Hãy nhớ đối xử tốt với bản thân
Không chỉ dành cho người khác, lòng tốt còn dành cho chính mình. Tử tế với bản thân không có nghĩa là buông thả. Đó là cách bạn trân trọng giá trị của chính mình.
Chúng ta có lẽ là những nhà phê bình gay gắt nhất của chính mình. Chúng ta chắc chắn biết rõ giới hạn của mình hơn bất kì ai. Vì thế khi mọi thứ diễn ra không như dự định ban đầu hãy an ủi bản thân rằng mục đích hành động mới là điều đáng trân trọng.
Không phải sai lầm nào cũng là lỗi của bạn. Bạn có thể sẽ tự trách chính mình vì muốn sống một đời vẻ vang hơn. Nhưng đôi khi, bạn nên học cách san sẻ với người khác để bản thân không bị đè nén bởi những gánh nặng tội lỗi.
2. Tiền không làm bạn hạnh phúc
Tiền cho phép bạn tận hưởng cuộc sống, trong trường hợp có đủ và có thể nhiều hơn mức đủ. Song nó không làm tăng đáng kể hạnh phúc của bạn trong cuộc sống.
Thực tế hạnh phúc đến từ việc chăm sóc bản thân, trải nghiệm những điều tốt đẹp và nuôi dưỡng mối quan hệ với người tạo nên sự tích cực cho cuộc sống của bạn.
3. Không bao giờ quá già hay quá trẻ để phạm sai lầm
Sai lầm là dấu hiệu của sức sống, tinh thần cầu tiến và trí thông minh mạo hiểm, nhất là khi bạn là người tạo ra chúng.
Bạn sẽ không bao giờ dám thử hoặc khám phá ra điều gì đó mới nếu sợ sai. Sai lầm là một phần không thể tránh khỏi của sự tiến bộ. Vì đậy đừng ngại thực hiện những bước nhảy vọt, bất kể chúng có đáng sợ đến mức nào.
Tất nhiên mọi thứ nên có giới hạn. Năng lực yếu kém hay hành động sai trái sẽ buộc bạn phải trả giá. Tuy nhiên, mọi người – đặc biệt là thế hệ trẻ – cần hiểu rằng: Phạm sai lầm là dấu hiệu cho thấy chúng ta sẵn sàng thử nghiệm, thay vì cẩn trọng đến mức hèn nhát.
4. “Hưu trí” là một thuật ngữ vô nghĩa
Ở tuổi này, tôi không hề có ý định nghỉ hưu sớm giống như những người khác. “Nghỉ hưu” là một khái niệm vô nghĩa. Chẳng thể nói “nghỉ hưu”, nếu bạn vẫn thức dậy hoạt động mỗi ngày hoặc đi ngủ trong sự lo lắng. Chỉ vì bạn không làm việc toàn thời gian không có nghĩa rằng bạn phải rời guồng quay của thế giới. Thật ra, bạn vẫn còn rất nhiều giá trị khác để cống hiến cho cuộc đời.
Đừng để tuổi già ngăn cản bạn sống năng động và hết mình. Chỉ cần bạn còn đủ sức khỏe và hứng thú, hãy cứ tiếp tục làm điều mình muốn.
5. Công việc kinh doanh không dành cho tất cả mọi người nhưng nó có thể mang lại rất nhiều lợi ích
Nếu còn đang phân vân có nên đi làm thuê trong khi mình có năng lực, sự tự tin để thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ, tôi khuyến khích bạn nên nghĩ tới việc tự kinh doanh.
Hãy tìm một phân khúc còn trống trong thị trường, rồi làm những điều mà người khác chưa làm. Nếu họ đang làm rồi, hãy làm tốt hơn họ. Dĩ nhiên, tự kinh doanh là một chuyện liều lĩnh, không dành cho số đông. Bởi lẽ, bạn sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần người khác. Bạn sẽ phải sẵn sàng để tự mình đưa ra mọi quyết định quan trọng, cũng như chịu trách nhiệm cho bất cứ nhân viên nào của mình.
Một khi bạn làm chủ, sẽ không ai có thể sa thải bạn, trừ khi bạn làm gì phạm pháp hay phá sản. Tuy nhiên, nếu đi đúng hướng, bạn sẽ thức dậy mỗi ngày với các thách thức thú vị trước mắt.
6. Giữ cho mình sự tham vọng
Tham vọng là thứ cần được trau dồi ngay cả khi bạn đã nghỉ hưu. Nếu không có tham vọng cuộc sống của bạn sẽ trở nên buồn chán.
Ở tuổi này, tôi vẫn có tham vọng đi bộ hàng ngày nhanh hơn một chút hoặc nấu một món ăn mà chưa bao giờ thử trước đây để gây ấn tượng với vợ. Ngoài ra tham vọng lớn nhất không phải lúc nào cũng liên quan đến nghề nghiệp. Chúng có thể là những thứ bạn chưa bao giờ làm như chơi piano hoặc thành thạo một môn thể thao.
Khi đã học được các kiến thức căn bản, bạn nên tìm cách để chiến thắng. Bởi vì tinh thần cạnh tranh trong mỗi con người không bao giờ mất đi, mà luôn tồn tại để đưa chúng ta về đích. Tham vọng có nghĩa là hướng về phía trước, và điều này lúc nào cũng tốt hơn là nhìn lại đằng sau.
7. Thay đổi là điều không thể tránh khỏi
Thay đổi là khó khăn không ai mong muốn nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên tránh nó. Chúng ta có thể rơi vào những tình huống bất ngờ như: tai nạn, mất việc làm, bệnh tật…
Nếu người bạn đời của mình đột nhiên gãy chân và bạn cần phải từ bỏ tất cả để chăm sóc. Hãy cho họ thấy bạn là một người dễ thích nghi, bao dung và có trách nhiệm.
Điều kỳ lạ là càng lớn tuổi chúng ta càng càu nhàu về sự thay đổi. Tuy nhiên, có một thay đổi vĩ đại đã xảy ra, buộc chúng ta phải đối mặt mà không hề hay biết: sự trưởng thành – từ phụ thuộc thành tự lập. Thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi nếu bị hoàn cảnh bắt buộc.
8. Đừng trở thành kẻ đạo đức giả của chính mình
Đạo đức giả không phải là khen ngợi một diễn viên dở tệ, bởi đó chỉ là phép lịch sự xã giao để sống một đời yên bình.
Đạo đức giả là khi bạn hứa sẽ đến thăm người bạn không định đến thăm; khi bạn tỏ ra háo hức vì bữa trưa với người mà bạn đã tránh mặt cả tháng; khi viết “Hãy để tôi giúp” trong email dù bạn sẽ phủi sạch tay khi có vấn đề gì sau đó.
Những điều đó chỉ khiến bạn trở thành kẻ hai mặt luôn sống một cuộc đời giả dối. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy mệt mỏi với sự thảo mai của chính mình.
Theo CNBC
Đinh Anh
Nhịp sống thị trường