4 lý do Mỹ sẽ thiệt nếu Trump chống toàn cầu hóa.
Covid-19 lộ rõ lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, gián đoạn dòng hàng nhập khẩu thiết yếu vào Mỹ, và dẫn đến lời kêu gọi các công ty đa quốc gia trở về Mỹ sản xuất. Cuộc chiến thương mại và việc thúc đẩy tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc của Washington cũng hé lộ những đảo ngược của xu hướng toàn cầu hóa.
Nhưng các tập đoàn đa quốc gia Mỹ biết rằng điều này sẽ thực sự làm giảm khả năng sản xuất ở Mỹ và cạnh tranh với các công ty Trung Quốc về lâu dài. Với họ, khôi phục sản xuất trong nước chỉ là một phần nhỏ để phục hồi chuỗi cung ứng.
Đại dịch cùng với chiến tranh thương mại với Trung Quốc sẽ dẫn đến những thay đổi trong cách thức hoạt động của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng các nguyên tắc cơ bản – và vai trò của Trung Quốc trong đó – sẽ không thay đổi.
Sau đây là 4 vấn lý do chính, theo phân tích của chuyên gia Thomas Hout tại Đại học Tufts và tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ), đồng thời là cựu chuyên gia của Boston Consulting Group.
Một góc cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Ngành công nghiệp Mỹ phụ thuộc vào hoạt động và kinh doanh toàn cầu
Các công ty công nghệ mạnh nhất của Mỹ dựa vào quy mô bán hàng và hoạt động toàn cầu để đón đầu các đối thủ nước ngoài. Ví dụ chất bán dẫn, động cơ diesel siêu sạch, và điện tử gia dụng…, tất cả đều đòi hỏi chi phí R&D cao. Intel, Cummins và vị trí dẫn đầu toàn cầu của Apple sẽ sụp đổ nếu như không thể sản xuất và tiêu thụ ở Trung Quốc.
Các ngành công nghiệp của Mỹ có cán cân thương mại khả quan cùng với Trung Quốc là những ngành có giá trị gia tăng cao. Trong khi, những ngành có thâm hụt lớn nhất như may mặc, đồ nội thất, đồ điện tử, thường có giá trị gia tăng thấp.
Thị trường nội địa Trung Quốc dành cho các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao là lớn nhất thế giới và sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn. Do đó, cuộc chiến công nghệ của Mỹ với Trung Quốc, trong đó, quyền tiếp cận của bên này đối với bên kia bị khép lại sẽ chỉ thúc đẩy Trung Quốc đạt mục tiêu giành vị trí dẫn đầu của Mỹ.
Chống lại toàn cầu hóa sẽ không đưa các nhà máy trở lại Mỹ
Đại đa số sản lượng của tất cả công ty Mỹ liên kết với nước ngoài được tiêu thụ tại nơi nó được sản xuất. Rất ít sản phẩm đang gia công ngoài được chuyển trở lại Mỹ mà các nhà máy “di dời khỏi” Mỹ có thể sản xuất ở trong nước. Hạn chế nguồn lực nước ngoài vào các thành phẩm do Mỹ sản xuất sẽ chỉ làm tăng giá thành của sản phẩm, như những gì cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung gây ra hiện nay.
Một nghiên cứu của Fed New York ước tính chi phí thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Trung Quốc cho các hộ gia đình Mỹ trung bình ở mức 620 USD. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm xuống trong suốt thời kỳ đại dịch do người tiêu dùng Mỹ đang mua sắm ít hơn, kể cả hàng hóa Trung Quốc, chứ không phải do sự quay về sản xuất trong nước.
Ngoài ra, các công ty Mỹ trong các lĩnh vực như robot cao cấp dựa vào các linh kiện rẻ hơn được sản xuất ở nước ngoài, giúp mặt hàng xuất khẩu khác của Mỹ đạt giá trị gia tăng cao. Thương mại toàn cầu đối với các sản phẩm trung gian như vậy là con đường thông thương rất lớn. Mỹ cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm trung gian giống như nhập khẩu. Hạn chế buôn bán các mặt hàng trung gian từ thép cho đến chất bán dẫn sẽ chỉ làm tăng giá cả ở khắp mọi nơi và không có nước nào ngoại lệ.
Trung Quốc đang tích cực toàn cầu hóa
Thừa nhận đang đánh mất lợi thế sản xuất bằng lao động giá rẻ vào tay Đông Nam Á và Đông Âu, Trung Quốc nhanh chóng toàn cầu hóa các ngành công nghiệp của họ bằng cách khuyến khích các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, chẳng hạn như năng lượng, thiết bị xây dựng, viễn thông, cung cấp các dự án ở nước ngoài trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Các công ty đa quốc gia của Trung Quốc, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước, đều muốn những gì mà các công ty đa quốc gia của Mỹ dành nhiều thập kỷ tạo dựng – mạng lưới sản xuất quốc tế, R&D, bán hàng, và phân phối mà tận dụng các thế mạnh khác nhau của từng quốc gia, một phần nhằm củng cố vị thế cạnh tranh của họ ở sân nhà.
Ví dụ Cummins không thể bán được gần như khá nhiều loại diesel siêu sạch sản xuất tại Mỹ cho khách hàng Trung Quốc nếu như không có một mạng lưới bán hàng và dịch vụ vững chắc được xây dựng bằng cách tận dụng các hoạt động sản xuất ở Trung Quốc. Việc nhắm vào các thị trường nước ngoài chính là điều các công ty sản xuất thiết bị Trung Quốc đang bắt đầu thực hiện khi tốc độ tăng trưởng trong nước chậm lại.
Báo chí Mỹ cho rằng BRI của Trung Quốc đang khai thác các khách hàng ở thị trường mới nổi cùng với các dự án lớn đi kèm những điều khoản khó khăn. Nhưng trên thực tế, hầu hết dự án về BRI đều là các giao dịch nhỏ hơn, có liên quan tới chăm sóc sức khỏe nước sở tại, giao thông đô thị, và các dịch vụ cơ bản khác.
Năng lực của thế giới không phẳng
Các công ty sử dụng nguồn lực nước ngoài chủ yếu vì trí tuệ và năng lực. Boeing 787 là một chiếc máy bay mang tính cách mạng hơn vì cánh và thân trước máy bay đến từ Nhật Bản, quốc gia có kỹ năng chế tạo sợi carbon độc đáo. Nói cách khác, năng lực của thế giới còn lâu mới phẳng, mỗi quốc gia có thế mạnh riêng.
Các công ty đa quốc gia đang điều chỉnh để thích nghi và phục hồi trong hoàn cảnh mới rất tốt. Họ có thể tạo nguồn kép, tức thêm các nhà cung cấp có mức rủi ro gián đoạn đối lập với nhà cung cấp hiện tại. Họ có thể yêu cầu các nhà cung cấp xây dựng các nhà máy linh hoạt hơn để có thể nhanh chóng tạo ra nhiều mặt hàng hơn.
Họ có thể xây dựng các bộ thông tin thời gian thực hỗ trợ điều chỉnh ngay lập tức mối đe dọa. Ví dụ, công ty hóa chất đặc chế Lubrizol biết cần bao nhiêu nguyên liệu thô trong các nhà máy, trong quá trình vận chuyển, trong kho của nhà cung cấp, và dữ liệu tương tự cho các nguyên liệu thay thế nếu có nhu cầu phát sinh. Khả năng phục hồi lớn hơn cần phải xây dựng được sự hợp tác và năng lực nhiều hơn.
Điểm mấu chốt là toàn cầu hóa diễn ra do nó tạo ra giá trị và mở rộng năng lực của một công ty. Giống như bất kỳ hiện tượng kinh tế nào, con lắc có thể dao động khá xa, tạo nên sự mất cân bằng quá mức và những rủi ro cung ứng gây nguy hiểm cho an ninh của Mỹ.
Hai ví dụ điển hình là ván cờ của Trung Quốc trong hệ thống thương mại quốc tế và sự gián đoạn do Covid-19 gây ra đối với các nhà cung cấp vật liệu chính. Cả hai đều đòi hỏi các phản ứng chú trọng cùng hạn chế từ chính phủ Mỹ nhằm trừng phạt Trung Quốc và bắt buộc các vật liệu nhất định phải được sản xuất ở Mỹ.
Đây là hành động tự vệ, chứ không phải đảo ngược xu hướng toàn cầu hóa. Thật khó tranh luận về việc toàn cầu hóa mang lại thuận lợi cho Trung Quốc nhưng không có lợi cho Mỹ, vì Mỹ xuất khẩu hàng năm đạt 2.500 tỷ USD về hàng hóa và dịch vụ, chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc, đạt 2.800 tỷ USD. Hoạt động xuất khẩu mang lại lợi nhuận cao và một thế giới phi toàn cầu hóa sẽ lấy đi những điều tốt đẹp nhất.
Phiên An / theo Havard Business Review