Từ công việc đến cuộc sống, vì sao người có EQ dễ dàng thành công hơn?
EQ là chỉ số đánh giá trí thông minh cảm xúc của một người. Trí thông minh cảm xúc là khả năng xác định và điều chỉnh cảm xúc của bản thân cũng như hiểu được cảm xúc của những người khác.
Nói chung, chỉ số EQ cao giúp ta xây dựng các mối quan hệ, giảm căng thẳng, giảm xung đột và tăng sự hài lòng trong công việc. Đó là cơ sở để tăng hiệu suất làm việc và giữ chân nhân viên. Đây cũng là lý do tại sao khi tuyển các vị trí quản lý, các nhà tuyển dụng luôn tìm các ứng viên có EQ cao – hơn là IQ (chỉ số thông minh).
Dưới đây là năm phẩm chất của người có EQ cao. Chúng sẽ trả lời cho câu hỏi vì sao EQ có thể đưa ta tới gần thành công hơn trong sự nghiệp và cuộc sống.
1. Tự nhận thức
Tự nhận thức là khả năng tự xác định cảm xúc, các nhân tố kích thích cảm xúc, điểm mạnh, điểm yếu, động cơ, giá trị và mục tiêu của bản thân và hiểu cách những yếu tố này ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của chính mình. Người có khả năng tự nhận thức sẽ biết phải làm gì trong mọi tình huống hàng ngày, từ đó có thể điều khiển và làm chủ cuộc sống.
Nếu đang cảm thấy căng thẳng, khó chịu, không có hứng thú hoặc không bằng lòng với hiện tại, hãy dành thời gian để tự nhìn lại bản thân và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những cảm xúc đó.
Khi đã có thể xác định được cảm xúc cũng như nguồn cơn của nó, chắc chắn ta sẽ tìm ra giải pháp phù hợp để ứng phó, ví dụ như tìm một công việc mang lại nguồn cảm hứng mới, hoặc tìm ra cách để chan hòa với mọi người xung quanh.
2. Tự làm chủ
Tự làm chủ chính là khả năng tự điều chỉnh cảm xúc của một người, trên cơ sở tự nhận thức. Mọi người – kể cả những người có EQ cao – đều sẽ có lúc trải qua những tâm trạng không vui, bốc đồng và những cảm xúc tiêu cực như tức giận và căng thẳng, nhưng người biết tự làm chủ sẽ có khả năng kiểm soát chúng, chứ không để chúng kiểm soát lại. Và như thế, họ sẽ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhất, mang lại lợi ích tốt nhất.
Bản chất của tự làm chủ là học cách không phản ứng vội vàng với các tình huống căng thẳng hoặc quá khích. Khi đối diện với một tác nhân gây cảm xúc tiêu cực, cần cố gắng giữ cho bản thân tỉnh táo, bình tĩnh thay vì bốc đồng, vì cảm xúc tiêu cực và hành vi bốc đồng gây ảnh hưởng không tốt lên cả bản thân và những người xung quanh.
3. Có động lực
Động lực là thứ thúc đẩy chúng ta hành động. Khi phải đối mặt với những thất bại và trở ngại, việc lên dây cót tinh thần sẽ mang lại niềm cảm hứng để chúng ta tiếp tục tiến lên phía trước.
Người thiếu động lực sẽ hoang mang trước những rủi ro. Nhóm người này thường xuyên lo lắng và nhanh chóng bỏ cuộc. Thiếu động lực cũng có thể khiến họ thể hiện cảm xúc tiêu cực về các mục tiêu và nhiệm vụ chung, điều này có thể ảnh hưởng đến tinh thần của cả tập thể.
Mặt khác, những người có EQ cao luôn có động lực dồi dào. Họ có nhiều khả năng học hỏi, tự làm chủ sự tiến bộ, thúc đẩy bản thân và không ngừng cố gắng để cải thiện kỹ năng, kiến thức và các năng lực khác. Những người như vậy luôn là một thứ tài sản quý báu cho bất kỳ tập thể nào, và bản thân họ cũng sẽ liên tiếp gặt hái được những thành tựu mới.
4. Có sự đồng cảm
Đồng cảm là khả năng kết nối và thấu hiểu cảm xúc, âu lo và góc nhìn của người khác. Đây là một kỹ năng quan trọng cần có khi thương thảo với đối tác và khách hàng, vì nó giúp ta nhìn thấu nhu cầu và phản ứng của người đối diện.
Ngày nay, các nhà lãnh đạo thông minh và có hiểu biết về EQ luôn biết phải tập hợp những đội ngũ gồm nhiều cá nhân với các góc nhìn và thế mạnh độc đáo. Và đồng cảm chính là chiếc chìa khóa giúp nhà lãnh đạo biết trân trọng các lợi thế đó để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, đồng thời đưa ra những phát kiến sáng tạo sau này.
Sự đồng cảm cũng rất cần thiết cho sự hòa hợp trong một tập thể, bởi một môi trường làm việc vui vẻ, đầy năng lượng được hình thành từ chính việc chia sẻ cảm xúc giữa những người đồng nghiệp.
5. Quản lý các mối quan hệ
Quản lý các mối quan hệ là các kỹ năng giao tiếp, ứng xử giữa người với người, cụ thể hơn, đó là khả năng tạo dựng lòng tin, mối thân tình và sự tôn trọng thực sự từ đồng nghiệp.
Một lãnh đạo có kỹ năng quản lý tốt các mối quan hệ sẽ có khả năng truyền cảm hứng, dẫn dắt và phát triển các thành viên trong nhóm, từ đó giúp cải thiện đáng kể hiệu suất và năng suất làm việc nói chung. Rõ ràng đây cũng sẽ là một tiền đề quan trọng dẫn lối nhà lãnh đạo và cả các nhân viên đi tới thành công.
Quan trọng hơn nữa, dù trí tuệ cảm xúc là bẩm sinh ở một số người, khoa học đã chứng minh rằng nó hoàn toàn có thể được tôi luyện và cải thiện với phương pháp phù hợp. Vì vậy, để tạo thêm cho mình một công cụ đắc lực dẫn tới thành công, hãy tự nghiên cứu và luyện tập cải thiện EQ ngay hôm nay.
Theo Trí thức trẻ