Trước khi trở thành tỷ phú, Elon Musk, Bill Gates cũng sai lầm đến mức sụp đổ cả công ty nhưng CÁCH ĐỐI DIỆN VỚI THẤT BẠI mới là điều đáng học hỏi
Nếu được hỏi, đa số mọi người sẽ nói rằng họ học được nhiều hơn từ những sai lầm của mình. Thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều này.
Như nghiên cứu “Learning from Errors” (tạm dịch: Học từ những sai lầm) do Tiến sĩ Janet Metcalfe đến từ Đại học Columbia thực hiện năm 2016 cho thấy sai lầm gây hệ quả càng lớn, đặc biệt khi tự tin mình đã làm đúng, bài học nhận được càng sâu sắc.
Tiến sĩ thực hiện nghiên cứu này cho rằng khi càng tự tin mình đã làm đúng đến lúc mắc sai lầm, bạn càng dễ sửa chữa. Vì con người thường có xu hướng nhớ những thiếu sót mình đã mắc phải.
Đó là lý do tại sao cách tốt nhất để học kiến thức mới không phải là học thuộc mà là hãy tự kiểm tra. Khi trả lời sai bạn không chỉ nhớ được câu trả lời đúng mà sau khi tra cứu tìm hiểu bạn sẽ ghi nhớ được nhiều kiến thức đôi khi đã bị quên.
Theo Inc, Elon Musk, Bill Gates là minh chứng cho cho nghiên cứu của Tiến sĩ Tâm lý Janet Metcalfe.
Trước khi trở thành tỷ phú Elon Musk chỉ có sự thông minh và kiên trì vượt qua mọi thất bại
“Hiện tại các bạn nhìn thấy tôi là một doanh nhân rất thành đạt và có rất nhiều tiền đúng không? Nhưng tôi không phải là người tài giỏi tuyệt đối về mọi mặt, tôi cũng từng mắc rất nhiều sai lầm và thất bại”, tỷ phú Elon Musk chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ Foundation rằng bản thân ông đã gặp nhiều thất bại trong cuộc sống.
Sau khi thất bại với Paypal, Elon Musk thành lập SpaceX. Để trở thành một tập đoàn giá trị tỷ đô như hiện nay Musk cũng gặp không ít thất bại.
Ông đã đầu tư vào công ty 100 triệu USD với mục đích chế tạo tên lửa nhưng 3 chiếc tên lửa đầu tiên đã phát nổ trước khi tiến vào quỹ đạo bay. May mắn chiếc thứ 4 thành công giúp công ty kiếm về hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD từ NASA.
Chưa hết, những sản phẩm mới như tên lửa Falcon 9 trị giá 50 triệu USD lại một lần nữa khiến nhiều người tưởng rằng SpaceX có thể bị sụp đổ tại thời điểm đó.
Tuy nhiên không như những người khác, Musk không nản trí mà ngược lại ông miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân. Kết quả là chỉ trong vòng 2 tháng, vị CEO này đã tìm ra điểm cốt lõi trong việc thiết kế và sản xuất những chiếc tên lửa.
Sau tất cả những nỗ lực để vượt qua thất bại, người ta nhìn nhận Elon Musk là thiên tài công nghệ của thế kỉ 21. Ông là người đã dạy cho bất kì doanh nhân nào bài học về nghệ thuật thất bại.
Trong một buổi phỏng vấn với đài truyền hình Bắc Kinh Elon Musk đã chia sẻ: “Sự khác biệt ở người khởi nghiệp thành công và người không thành công là người thành công nhận ra sai lầm và sửa chúng rất nhanh, còn người không thành công lại cố gắng tránh sai lầm”.
Bill Gates – Sử dụng thất bại như một bước nhún để bật cao
Tỷ phú Bill Gates luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc học hỏi những kinh nghiệm từ chính sự thất bại của bản thân. Ông nói: “Thật may mắn để chào mừng sự thành công nhưng điều đáng chú ý hơn là đúc kết những bài học từ sự thất bại”.
Bill Gates đã từng bỏ học đại học trước khi ông tạo ra tập đoàn nổi tiếng Microsoft. Tuy nhiên, trước khi nhập học tại trường Đại học Harvard, Bill Gates đã thành lập công ty đầu tiên với tên gọi Traf-O-Data khi chỉ mới 17 tuổi.
Traf-O-Data là một công ty máy vi tính sử dụng chip để xử lý và phân tích các dữ liệu lưu lượng. Mặc dù công ty là một thất bại nhưng theo người đồng sáng lập, Paul Allen cho biết phần mềm Microsoft hiện nay chính là thành quả của việc học hỏi và đúc rút từ những thất bại của Traf-O-Data.
Nhưng ngay cả tại Microsoft, Bill Gates vẫn liên tục phải đối mặt với sự thất bại. Năm 1993, một dự án cơ sở dữ liệu mà ông phát minh mang tính cách mạng đã không thành công và vào giữa thập niên 90, một số chương trình truyền hình của Microsoft trên internet cũng đã gặp nhiều sự thất bại.
Bill Gates chia sẻ rằng, tất cả những thất bại đó có thể khiến ông cảm thấy mệt mỏi, chán nản và từ bỏ. Tuy nhiên, ông đã học cách chấp nhận và sử dụng chúng như một bước đệm để bật xa hơn trên con đường thành công của bản thân.
“Một khi bạn cảm thấy sự thất bại không còn là những dấu hiệu tiêu cực mà chính là động lực khiến bạn phải thay đổi và nỗ lực nhiều hơn để không bao giờ bị nó đánh bại”, ông nhấn mạnh.
Bill Gates hay Elon Musk là minh chứng cho việc tất cả chúng ta có nhiều khả năng học hỏi hơn từ chính những thất bại của mình. Vì thế bạn hoàn toàn có thể cho phép mình mắc sai lầm. Điều quan trọng không chỉ tránh lặp lại những sai lầm đó mà còn xem xét nguyên nhân khiến chúng ta gặp phải thất bại.
“Bởi vì không ai tránh khỏi sai lầm. Điều quan trọng là cách chúng ta đón nhận và học được gì từ những thất bại đó”, Jeff Haden, biên tập viên của Inc viết.
Đinh Anh
Theo Trí thức trẻ