Thời gian biểu của 1 người thành công: Khoảng cách giữa người thường và quái kiệt là đây chứ đâu xa!
1. Thời gian biểu của người thành công
Theo thống kê của Laura Vanderkam – một chuyên gia theo dõi thời gian biểu của những người thành công, có đến 90% những người thành công như Bill Gates – nhà sáng lập Microsoft, Tim Cook – CEO của Apple hay ông chủ Facebook – Mark Zuckerberg thức dậy trước 6h30 sáng.
Chẳng hạn như, CEO Apple Tim Cook thức lúc 3 giờ 45, CEO Ellevest Sallie Krawcheck và CEO Pepsi Indra Nooyi dậy lúc 4 giờ sáng.
Nhiều người không khỏi tò mò: Chẳng nhẽ người thành công thì không biết buồn ngủ?
Không phải. Đơn giản là vì họ biết rằng buổi sáng đóng vai trò quan trọng thế nào để kiểm soát cả một ngày dài.
Đây là khoảng thời gian con người tập trung nhất cũng như chưa bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố nào bên ngoài. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích và giúp họ kiểm soát được ngày mới trước khi nó bắt đầu.
Theo bà Emma Tynan, người huấn luyện các triệu phú tại một trang web mang tên mình, đã tổng hợp và nghiên cứu về thói quen hàng ngày của những doanh nhân thành công nhất thế giới. Sau đó đưa ra lịch trình sinh hoạt điển hình như sau:
5 giờ: Thức dậy
5 giờ 30 phút: Tập thể dục
6 giờ: Thiền định
6 giờ 30 phút: Đọc sách
7 giờ: Ăn sáng
8 giờ: Bắt đầu công việc
13 giờ: Nghỉ trưa (ít nhất 1 tiếng)
18 giờ: Rời công ty
Và thường thì một khi thời gian biểu đã hình thành, các tỷ phú đều tuân thủ nó một các nghiêm ngặt. Như Andy Grove, nhà sáng lập và cựu CEO của Intel, cho biết: “Một ngày của tôi kết thúc khi tôi mệt mỏi và sẵn sàng về nhà mặc dù luôn có nhiều thứ cần làm, nên làm và có thể làm.” Do đó, bất chấp chuyện gì đang xảy ra, ông Grove luôn rời văn phòng lúc 18 giờ 30 phút mỗi ngày.
Tỷ phú Jeff Bezos cũng cho rằng, cần ngừng lại khi mệt mỏi vào cuối ngày. Ông nói: “Lúc 5 giờ chiều, tôi tự nói là ‘mình không thể nghĩ được gì về việc này trong hôm nay, hãy thử lại vào ngày mai, lúc 10 giờ sáng’”.
Có thể thấy rằng, thời gian biểu 1 ngày của những người thành công cũng không quá đao to búa lớn. Nhưng điều khiến họ ngày một tiến bộ và giỏi giang hơn nằm ở khả năng quản lý bản thân cẩn trọng.
24 giờ mỗi ngày có thể trôi qua chóng vánh như một cái chớp mắt mà chẳng đọng lại gì với những người mải mê trong những bộ phim truyền hình dài tập, cũng có thể trôi qua rõ nét từng giờ, từng giây với người có kế hoạch sống trật tự và nhịp nhàng.
Đây là một khoảng cách rất lớn.
2. Thời gian biểu của người thường
Buổi sáng cuối tuần, bạn lên kế hoạch dọn dẹp căn nhà bừa bộn.
Đầu tiên bạn thay ga trải giường và chăn màn trong phòng ngủ, nhưng cảm thấy không đủ cảm hứng nên muốn bật vài bản nhạc.
Bạn mải mê lục lại thư viện nhạc để kiếm được bài mình yêu thích, gần nửa tiếng đồng hồ trôi qua mới nhớ ra vẫn còn rất nhiều đồ đạc chưa dọn.
Mãi mới dọn xong phòng ngủ, bạn chuyển sang phòng khách. Bước qua TV, bạn quen tay bật lên, định vừa dọn vừa xem. Nhưng chương trình đang hiển thị không thú vị chút nào, bạn cần phải tìm một kênh khác thích hợp hơn. Vậy là lại nửa tiếng đồng hồ trôi qua, bạn mới nhớ ra mình cần tiếp tục dọn dẹp. Đôi khi, TV chiếu đến những đoạn hấp dẫn, bạn thậm chí còn bỏ lại công việc, chạy ra sofa ngồi theo dõi cho tiện.
Như vậy, những thứ đáng lẽ có thể hoàn thành trong 1-2 giờ đồng hồ có thể kéo dài cả ngày, thậm chí còn dài tới vài ngày, với những người có chứng trì hoãn.
Đó là lý do mà khi được hỏi rằng, bạn có tập thể dục/đọc sách/học tập mỗi ngày hay không, câu trả lời của mọi người thường là: Không có đủ thời gian để làm. Vì thời gian quý báu của chúng ta luôn bị tiêu tốn và lãng phí trong vô thức, nếu bản thân mình không đủ tự giác và kỷ luật để kiểm soát cuộc sống xung quanh.
Goethe đã nói: “Người không thể thống trị bản thân, sẽ vĩnh viễn là kẻ bị nô lệ.”
Những ai bỏ bê việc quản lý bản thân, để thời gian trôi qua một cách vô tình, sau cùng sẽ làm xói mòn mục tiêu và lãng phí chính bản thân mình.
3. Khoảng cách nằm ở kỷ luật tự giác, đây là cơ sở cho sự thành công của mỗi người.
Muốn trở thành người có khả năng tự quản, cần nắm được 2 điều sau đây: Nâng cao nhận thức về bản thân và Tối ưu hóa việc phân phối sự chú ý.
Tiền đề của quản lý bản thân là nâng cao nhận thức về bản thân. Chỉ khi nào chúng ta có thể nhận thức rõ ràng bản thân mình, chúng ta mới có thể kê đơn thuốc phù hợp và thực hiện quản lý theo mục tiêu.
Có một nhà sưu tập rất nổi tiếng ở Trung Quốc tên là Lưu Ích Khiêm. Người ta nói rằng tài sản của ông lớn đến mức bản thân ông cũng không biết là bao nhiêu.
Có người từng hỏi Lưu Ích Khiêm một cách nghiêm túc: “Tại sao ông lại giàu hơn tôi nhỉ?”
Lưu Ích Khiêm suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Thế ông có muốn kiếm tiền không?”
Đối phương trả lời: “Tất nhiên là có!”
Sau đó, Lưu Ích Khiêm nói:
“Vậy ông dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày để cố gắng kiếm tiền? Còn tôi, ngày nào tôi cũng nghĩ cách, mỗi giờ mỗi khắc đều nghĩ, sáng vừa mở mắt ra đã nghĩ, ngồi trên bồn cầu cũng tiếp tục nghĩ… Còn ông thì sao?
Ông chỉ để nó quanh quẩn trong đầu một lúc, sau đó lại làm việc khác, nghĩ điều khác. Thế nên, thời gian và tâm huyết mà chúng ta đầu tư vào đã khác nhau, thì làm sao có kết quả như nhau được?”
Nói một cách khác, lực chú ý của con người luôn là nguồn lực quan trọng nhất.
Khi bạn đặt toàn bộ tập trung của mình vào một vị trí, thì bạn đã quyết định phương hướng con người mình sẽ phát triển.
Muốn đạt được mục tiêu đã đề ra, bạn chỉ có thể liên tục tập trung vào những điều quan trọng nhất và kiên trì trong một thời gian dài, như vậy bạn mới có thể gặt hái được những kết quả khác biệt.
Khi học cách quản lý bản thân, điều quan trọng nhất là quản lý sự chú ý của một người.
Người thành công không vô duyên vô cớ mà gặt hái thành công. Chẳng ai tự dưng đạt được bất cứ điều gì cả. Đằng sau tất cả những điều đáng kinh ngạc, đều ẩn sâu rất nhiều nỗ lực phi thường, vừa để thúc đẩy cho sự tiến bộ, vừa để ngăn cản với sự sa ngã.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị