Phổi là “lá chắn” của sức khỏe, đây là 3 bài tập bảo vệ phổi được bác sĩ chuyên khoa khuyến khích, luyện tập mỗi ngày thì không lo ốm

15 Th12, 2023
avatar post

Khoảng 5 năm về trước, việc rèn luyện thể lực, chơi thể thao trong giới trẻ, đặc biệt là giới văn phòng không quá rầm rộ. Nhưng thời gian gần đây, tập gym, yoga, zumba, chạy bộ… bỗng rộ lên thành một trào lưu, được người trẻ hiện đại tích cực hưởng ứng.

Vậy tại sao mọi người lại chỉ nghĩ đến việc tập luyện cho cơ bắp, cho thân thể, mà lại quên không tập luyện cho bộ phận quan trọng của cơ thể là PHỔI?

Đông y ví Phổi như “lá chắn” của cơ thể, nắm giữ vị trí cốt yếu, ảnh hưởng lớn tới sức đề kháng cũng như tình trạng sức khỏe chung của con người. Thế nhưng, phổi lại rất dễ bị tổn thương, suy yếu, thậm chí là diễn tiến thành bệnh nặng.

Mùa đông giá rét, thời tiết khắc nghiệt có thể ảnh hưởng rất nhiều tới đường hô hấp và là phổi. Bác sĩ Lê Thu Trang, Trung Tâm Hô Hấp – Bệnh Viện Bạch Mai hướng dẫn mọi người một số bài tập dành cho phổi để chúng ta có hai lá phổi thật khỏe mạnh, sức khỏe hô hấp thật tốt:

Bài luyện tập phổi

Bài tập 1: Hít thở sâu

– Bước 1: Để cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi

– Bước 2: Hít một hơi thật sâu bằng mũi

– Bước 3: Thở ra từ từ qua miệng, cố gắng tống hết khí ra ngoài.

Lặp lại các bước, cố gắng giữ từ 12 đến 15 nhịp thở mỗi phút. Nên tập tăng dần đều, ban đầu chỉ nên tập 1, 2 phút sau đó tăng dần thành 5 phút.

Bài tập này rất đơn giản, có thể thực hiện được dù bạn ở bất cứ đâu. Bài tập giúp chúng ta mở rộng khoang ngực, cho phép oxy phân phối khắp nơi trong cơ thể và loại bỏ CO2 ra ngoài. Nó còn giúp chúng ta thư giãn cơ thể và tâm trí.

Để đạt được hiệu quả cao nhất, bạn nên tập lúc trước khi đi ngủ vào ban đêm và sau khi thức dậy vào mỗi buổi sáng.

Bài tập 2: Gập người

– Bước 1: Đứng thẳng, thả lỏng đầu gối.

– Bước 2: Giơ hai tay lên trời rồi hít một hơi sâu

– Bước 3: Vừa từ từ uốn cong bụng và gập người xuống, theo đó vừa từ từ thở ra.

– Bước 4:Vừa từ từ ngẩng đầu dậy, trở lại vị trí thẳng lưng vừa từ từ hít vào.

Một chu kì tập (lặp lại bước 3 và 4) là khoảng 20 giây. Làm liên tục 4 lần.

Bài tập giúp chúng ta tống hết không khí tồn đọng trong phổi, góp phần làm sạch phổi.

Bài tập 3: Ngồi thẳng

– Bước 1: Ngồi lên 1 chiếc ghế phẳng, cao vừa phải.

– Bước 2: Thẳng lưng, hai chân đặt lên nền nhà, chân hơi duỗi ra, đầu gối thấp hơn hông.

– Bước 3: Hai tay đặt lên gối, hoặc đặt lên mặt bàn, nếu ở gần bàn. Lưu ý là Lưng phải thẳng.

– Bước 4: Hít thở đều, nhẹ nhàng thư giãn

Bài tập giúp chúng ta luyện tập thói quen ngồi đúng tư thế, góp phần giúp lưu thông máu tốt, oxy sẽ được đưa đến khắp các bộ phận trong cơ thể giúp loại bỏ CO2 tích tụ. Bài tập cũng là một cách để chúng ta nhẹ nhàng thư giãn ở bất cứ nơi đâu có ghế. Bạn nên tập khoảng 5 đến 10 phút mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bài tập 4: Thở bằng bụng

Phổi là lá chắn của sức khỏe, đây là 3 bài tập bảo vệ phổi được bác sĩ chuyên khoa khuyến khích, luyện tập mỗi ngày thì không lo ốm - Ảnh 1.

– Bước 1: Nằm ngửa, duỗi thẳng người trên sàn

– Bước 2: Một tay đặt lên bụng, một tay đặt lên ngực.

– Bước 3: Hít thở thật sâu và từ từ kéo căng bụng. Lưu ý là bụng phải phồng lên tự nhiên theo hơi thở. Lúc này bạn sẽ thấy tay trên bụng cao hơn tay trên ngực.

– Bước 4: Giữ hơi thở khoảng 6 đến 7 giây trước khi bắt đầu thở ra.

– Bước 5: Thở ra từ từ, thở chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác lõm xuống.

Tập thở sâu, từ từ, tăng dần mỗi ngày và không quá sức.

Bài tập này giúp chúng ta “xoa bóp” nội tạng, tăng cường tuần hoàn, nâng cao hiệu quả hô hấp.

Bài tập tăng dung tích phổi

Phổi là lá chắn của sức khỏe, đây là 3 bài tập bảo vệ phổi được bác sĩ chuyên khoa khuyến khích, luyện tập mỗi ngày thì không lo ốm - Ảnh 2.

Bài tập 1: Luyện dưới nước

– Bước 1: Thực hiện các động tác giãn cơ ở trên mặt đất trước.

– Bước 2: Đưa cơ thể xuống nước, chìm toàn thân đến tận cổ.

– Bước 3: Thực hiện các bài tập dưới nước: Khua tay, Khua chân, Nhún nhẹ

Bài tập này nên tập ít nhất 20 phút để đạt hiệu quả tối đa.

Bài tập 2: Lên dốc

Bạn có thể chạy lên dốc hoặc đạp xe lên dốc hàng ngày. Thêm tính đa dạng bằng cách đạp lên dốc, hay chỉnh mảy tập tăng lên. Đi lên dốc khiến cơ thể bạn cần bơm thêm máu vào chân, phổi bạn cung cấp oxy cho máu.

Bài tập 3: Leo núi

Tập luyện ở điểm có độ cao là cách tốt để tăng sức mạnh phổi. Trên cao không khí có ít oxy và khiến tập luyện khó hơn, nhưng sẽ có hiệu quả cao hơn cho phổi của bạn.

Bạn có thể sống ở trên khu vực 2.500m trên mực nước biển khi tập luyện. Điều này khiến phổi bạn phải hoạt động nhiều hơn để lấy oxy vào trong máu.

Cẩn thận đừng tập quá nhiều ở độ cao, bạn có thể gặp trở ngại về sức khỏe do độ cao gây ra.

Bài tập 4: Bơi

Bộ môn thể thao tốt nhất để cải thiện khả năng cardio. Ở mức tối cao, phổi của người tập bơi có thể sử dụng hiệu quả hơn gấp 3 lần người bình thường.

Bài tập cho người bị phổi mãn tính

Phổi là lá chắn của sức khỏe, đây là 3 bài tập bảo vệ phổi được bác sĩ chuyên khoa khuyến khích, luyện tập mỗi ngày thì không lo ốm - Ảnh 3.

Một triệu chứng phổ biến nhất của bệnh nhân phổi mãn tính là khó thở. Vì vậy, biết cách thở đúng cách sẽ giúp khơi thông đường thở, cơ thể được cung cấp đầy đủ oxy từ đó cải thiện thần kinh, sức khỏe. Dưới đây là một số bài tập cho người bênh phổi mãn tính:

Bài tập 1: Tập thở cơ hoành

– Bước 1: Thả lỏng và thư giãn người. Lưu ý mặc quần áo thoải mái, không bị nén bụng.

– Bước 2: Nằm ngửa, hai chân cong (bạn có thể đặt gối dưới đầu gối). Một bàn tay để trên ngực, bàn tay kia để trên bụng.

– Bước 3: Hít sâu, chú ý là bụng phải phình to lên. Giữ hơi trong 3 giây.

– Bước 4:Từ từ thở qua miệng, để bụng từ từ xẹp xuống. Duy trì thở ra chậm sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Bụng lõm vào, bàn tay trên bụng thấp hơn bàn tay trên ngực.

Tập lại 10 lần vào buổi sáng ngay khi vừa ngủ dậy.

Bài tập 2: Tập thở chúm môi

Gần giống với bài tập bên trên nhưng tập trung vào động tác thở ra.

– Bước 1: Bạn có thể tập ở bất cứ đâu, trong bất cứ tư thế nào. Chọn tư thế thoải mái, thả lỏng cổ và vai.

– Bước 2: Hít vào bằng mũi. Ko cần phải hít sâu, hít bình thường.

– Bước 3: Thở qua miệng nhưng môi cần mím chặt như thể bạn muốn thổi nến, hoặc thổi sáo. Thở chậm sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.

Bài tập này quan trọng nhất là thời gian thở ra phải dài. Ví dụ hít vào 2 thì thở ra 4.

Nên lặp lại nhiều lần trong ngày, mỗi lần tập 10 lượt.

Bài tập 3: Kỹ thuật thở ra mạnh

Kỹ thuật này giúp dẫn lưu đờm, làm sạch và thông thoáng đường thở

– Bước 1: Hít vào bằng mũi. Hít chậm và sâu.

– Bước 2: Nín thở trong vòng vài giây.

– Bước 3: Thở ra mạnh và kéo dài.

– Bước 4: Hít vào nhẹ nhàng. Hít thở đều vài lần trước khi lặp lại.

Lặp lại 10 lần mỗi lần tập.

Bài tập 4: Kỹ thuật ho có kiểm soát

– Bước 1: Ngồi trên giường hoặc ghế thư giãn thoải mái

– Bước 2: Hít vào chậm và thật sâu.

– Bước 3: Nín thở trong vài giây.

– Bước 4: Ho mạnh 2 lần, lần đầu để long đờm, lần sau để đẩy đờm ra ngoài.

– Bước 5: Hít vào chậm và nhẹ nhàng. Thở chúm môi vài lần trước khi lặp lại động tác ho.

Lưu ý: Khi tập các bài tập này, bạn cần uống thêm nhiều nước 1,5-2 lít mỗi ngày giúp loại bỏ đờm, chất tiết phế quản, làm sạch và thông thoáng đường thở

Theo bác sĩ Trang, phổi là cơ quan chủ đạo có vai trò thiết yếu là trao đổi các khí, mang oxy từ không khí vào máu, đưa CO2 từ máu ra ngoài, một nhà máy có chức năng duy trì sự sống của loài người.

Bảo vệ phổi cũng chính là bảo vệ sức khỏe của toàn cơ thể, vì nếu phổi hoạt động kém, cơ thể thiếu đi oxy, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan mà còn có thể dẫn đến những tác hại nghiêm trọng hơn lên hệ tim mạch, não bộ.

Vậy ngoài những cách thông thường để bảo vệ sức khỏe của lá phổi như đeo khẩu trang khi tham gia giao thông và thường xuyên tập thể dục, bác sĩ Trang khuyên mọi người có thể áp dụng những bài tập đơn giản này mỗi ngày để giúp lá phổi của mình khỏe mạnh hơn.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị