Phải làm gì để đạt tự do tài chính trong tương lai?

15 Th12, 2023
avatar post

Theo khảo sát mức độ hiểu biết tài chính toàn cầu (Global Finlit Survey) của S&P vào năm 2015, chỉ có 24% người trưởng thành tại Việt Nam có hiểu biết về tài chính. Khảo sát am hiểu tài chính do Mastercard thực hiện năm 2017 cho biết năng lực quản lý tài chính nói chung của người Việt trẻ đứng thứ 14/16 quốc gia tham gia khảo sát.

Những dữ liệu trên cho thấy giáo dục về tài chính cá nhân vẫn chưa được người Việt trẻ đầu tư một cách đúng đắn. Một phần điều này là do người trẻ Việt chưa nhìn thấy tầm quan trọng của tài chính trong dài hạn, và sự phát triển cùng tư duy về tài chính sớm sẽ mang lại những khoản đầu tư cho họ như thế nào trong tương lai.

Minh, 27 tuổi, từ Phú Yên lên Sài Gòn lập nghiệp đã 5 năm. Minh chăm chỉ, cần mẫn và chịu khó. Anh chia sẻ: Thu nhập của tôi mỗi tháng tầm 10 triệu. Tôi thường để dành 1-2 triệu sau khi nhận lương nhưng sau 5 năm số tiền tôi có trong tài khoản ngân hàng chỉ còn 30 triệu. Tôi đã rất tiết kiệm, vậy mà cuộc sống quá khó khăn, gần 30 tuổi rồi tôi vẫn chưa dám suy nghĩ đến chuyện lấy vợ.

Chú Thanh quê ở Hà Nội đã nghỉ hưu được 3 năm. Thời điểm trước khi nghỉ hưu, lương chú khoảng 20 triệu/tháng, và khá yên tâm sau khi nghỉ hưu sẽ có trợ cấp và đi làm cho công ty người quen. Nhưng thực tế xảy ra hoàn toàn ngược lại, công ty người quen không nhận, chú gặp trở ngại khi tìm việc khác do lớn tuổi. Cuối cùng, chú Thanh phải làm bảo vệ theo ca.

Việc này đã ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng số tiền tích lũy trong nhà không có nhiều. Lại thêm dịch bệnh nên chú không dám bỏ ra nhiều tiền để chữa bệnh. Thực ra chú có những khoản tích lũy trước đó, nhưng số tiền đấy được dùng cho con cái ăn học và dựng vợ gả chồng cho các con nên vơi dần theo thời gian.

Hai câu chuyện là cùng một bài học: Mong muốn kiếm tiền và tiết kiệm đơn thuần sẽ khó đảm bảo tương lai tài chính dài hạn. Nếu không có mục tiêu tài chính rõ ràng thì sau một thời gian bạn sẽ mất phương hướng, cuốn theo nỗi lo cơm áo gạo tiền, gia đình, con cái và sự hưởng thụ của bản thân mà quên đi đích đến. Cuối cùng sau những năm tháng nhìn lại, bạn có thể sẽ chẳng còn gì.

Để chuẩn bị cho hành trình đạt được sự tự do về tài chính trong tương lai, bạn cần phải làm gì?

Dám đối diện

Bạn cần can đảm đối diện với tình hình tài chính hiện tại của bản thân và vẽ ra một viễn cảnh 20-30 năm nữa. Vì chỉ khi đó bạn mới nhìn nhận một cách nghiêm túc, đủ sợ và lo lắng để thúc đẩy mình học hỏi về tài chính, đầu tư và thay đổi tư duy.

Thấu hiểu sức mạnh của lãi kép

Sau khi nhìn nhận thực trạng vấn đề, bạn có thể lo lắng và không biết bắt đầu từ đâu. Nếu tiết kiệm từ khoản tiền lương ít ỏi, nhiều khả năng bạn sẽ không đủ tiền trang trải cho cuộc sống. Khoản tiết kiệm 5-10% thu nhập hàng tháng nhiều khả năng sau 20-30 năm cũng không còn nhiều giá trị.

Bí mật của những người tự do tài chính nằm ở đâu thực tế nằm ở việc áp dụng lãi kép vào đầu tư tài chính.

Lãi kép là lãi của một khoản cho vay hoặc tiền gửi được tính dựa trên tiền gốc ban đầu và lãi tích lũy từ các kỳ trước (theo investopedia). Hoặc bạn cũng có thể hiểu đơn giản là tiết kiệm đều đặn hàng tháng và đầu tư số tiền này, sau một thời gian, bạn sẽ trở lên giàu có.

Ví dụ bạn là nhân viên văn phòng, lương hàng tháng là 20 triệu đồng và tiết kiệm được 10% tức là 2 triệu mỗi tháng. Sau một năm, số tiền bạn tiết kiệm là 24 triệu đồng. Nếu đầu tư với mức lãi suất là 20%/năm và đầu tư trong 20 năm thì số tiền cuối kỳ bạn thu được sau 20 năm là gần 900 triệu.

Thần kỳ hơn: nếu mỗi năm đều tiết kiệm được 24 triệu và gộp số tiền đó vào khoản tiền gốc ban đầu và lãi tích lũy của năm trước, sau 20 năm số tiền bạn kiếm được là 5,3 tỷ.

Đây là công thức tính lãi kép: Số tiền kỳ thứ n = Số tiền gốc* (1+lãi suất)^số kỳ

Câu hỏi được đặt ra là: Tiền gửi vào ngân hàng cũng là lãi kép, vậy tại sao không gửi vào ngân hàng?

Bạn hoàn toàn có thể gửi tiền vào ngân hàng với mức lãi suất 6% nếu sợ rủi ro và không muốn tìm hiểu nhiều hơn về tài chính hay cách đầu tư khác. Tuy nhiên, nếu chỉ làm công việc văn phòng đơn thuần, chưa có nhiều tiền tích lũy, số tiền thu về không nhiều. Nếu gửi tiết kiệm 24 triệu trong 20 năm, số tiền bạn thu được chỉ là chưa đầy 53 triệu đồng.

Lên mục tiêu tài chính trong dài hạn

Con đường đến với sự tự do tài chính luôn có nhiều trở ngại: áp lực chăm sóc cho gia đình, con cái, sức hút từ cuộc vui với bạn bè, sự hưởng thụ của bản thân. Phương pháp đặt mục tiêu thông minh (SMART) sẽ giúp bạn lên kế hoạch, tập trung sự nỗ lực, sử dụng thời gian, nguồn lực một cách hiệu quả và tăng cơ hội đạt được sự tự do tài chính.

Mục tiêu SMART là:

S – Specific – Cụ thể: Xác định rõ ràng và cụ thể mục tiêu. Ví dụ, mục tiêu của bạn trong 10 năm nữa là nghỉ hưu sớm, cùng vợ đi khám phá Châu Âu và trở thành Travel Blogger. Hãy hình dung mục tiêu đó một cách rõ ràng. Bạn càng thấy rõ, càng sẽ biết chính xác những gì cần làm để thực hiện nó. Đó chính là lý do tại sao bạn nhất định phải làm được, lý do càng lớn thì động lực và sự quyết tâm của bạn trong việc hiện thực hóa mục tiêu càng cao.

M – Measurable – Đo lường được: Con số cụ thể bạn cần đạt được để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu có thành công hay không. Bạn muốn có bao nhiêu tiền sau 10 năm (hoặc 20 năm)? Số tiền bạn có thể tiết kiệm tối thiểu mỗi năm và lãi suất đầu tư bạn muốn đạt được là bao nhiêu? Ví dụ bạn muốn kiếm được 10 tỷ sau 10 năm vì vậy mỗi năm bạn sẽ tiết kiệm 320 triệu đồng và mang đi đầu tư với lãi suất 20%/năm. Những con số cụ thể giống đòn bẩy thúc đẩy tinh thần, động lực để bạn nỗ lực không ngừng nghỉ đạt được mục tiêu mong muốn.

A – Achievable – Tính khả thi: Đánh giá khả năng hiện tại của bạn để xem mục tiêu đã vừa sức nhưng vẫn có tính thách thức hay chưa. Số tiền mỗi tháng bạn kiếm được là bao nhiêu? Bạn có thể tiết kiệm được bao nhiêu % khoản tiền đó. Khoản tiền bạn tiết kiệm nên vừa sức và đừng quá khó khăn. Nếu bạn vì để đầu tư mà tiết kiệm quá nhiều, không dám ăn uống, chăm sóc cho sức khỏe, học hỏi thêm những kiến thức mới thì điều này có thể sẽ phản tác dụng.

R – Resource – Nguồn lực cần thiết: Nhân lực, vật lực và tài lực bạn đang có để giúp bạn hoàn thành mục tiêu.

T – Time bound – Giới hạn thời gian: Thời gian cụ thể bạn cần phải hoàn thành mục tiêu. Trên khoảng thời gian này bạn nên chia thành những chặng nhỏ với những mục tiêu nhỏ cụ thể để đạt được mục tiêu lớn. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát được tình hình và có sự thay đổi phù hợp giúp hoàn thành tiến độ một cách hiệu quả. Để đạt được sự tự do tài chính, bạn có thể sẽ cần 10 năm, 20 năm hoặc 30 năm vì thế hãy luôn có những mục tiêu nhỏ về học hỏi, trau dồi kiến thức, học thêm khóa học mới và kết giao với người giỏi hơn mình để trở thành một người lão luyện trong việc kiếm tiền và đầu tư.

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên vì thế bạn cần can đảm đối diện với vấn đề tài chính hiện tại của bản thân và lên mục tiêu thay đổi tài chính trong dài hạn. Đây là con đường bền bỉ nên chỉ khi bạn thật sự quyết tâm, học hỏi không ngừng, kiên trì và nhẫn nại, bạn mới có thể đạt được sự tự do về tài chính. Vì thế, đừng trì hoãn thêm nữa mà hãy bắt tay vào thực hiện ngay từ bây giờ.

Minh Phượng

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị