Nhà đầu tư ngoại tâm sự từng bị “lùa gà” và “kẹp hàng” khi đầu tư chứng khoán Việt Nam
Tôi sống ở Việt Nam từ năm 2014. Tôi làm giáo viên tiếng Anh và trong thời gian rảnh, tôi thích đi phượt, đọc sách và viết lách bằng tiếng Việt (tôi từng được báo chí biết đến như người nước ngoài đầu tiên viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt). Và tôi cũng chơi chứng khoán, tôi đã đầu từ vào VN-Index phần lớn tiền mình đã tiết kiệm trong suốt bảy năm qua.
Là một nhà đầu tư nhỏ lẻ, tôi không làm trong lĩnh vực tài chính và đã tự học về chứng khoán. Với tôi, chứng khoán không chỉ là một kênh kiếm lời mà còn là một đam mê, một cách để thử sức bản thân, muốn chơi thì phải liên tục học hỏi và nghiên cứu, quan sát và đắn đo cân nhắc về những rủi ro và cơ hội.
Như các chứng sĩ khác, tôi cũng đã trải qua nhiều thăng trầm và chuyện buồn vui trên sàn chứng khoán, tôi đã có cả lãi lẫn lỗ, đã mua bán sai thời điểm vì ”chim lợn” hay quá sốt ruột, tôi cũng từng bị ”lùa gà” hay ”kẹp hàng” vì dự đoán không chính xác. Những thứ này hoàn toàn bình thường với đa phần chúng ta. Tôi luôn cố gắng rút kinh nghiệm từ các sai lầm trong quá khứ và cải thiện kỹ năng ”chơi”. Mọi ngày tôi cũng dành mấy tiếng đồng hồ để đọc tin tức tài chính trên Cafef, tham khảo các khuyến nghị và báo cáo phân tích cổ phiếu và lướt diễn đàn F319. Vì biết tiếng Việt nên tôi có thể tiếp thu rất nhiều thông tin và tìm hiểu về những quan điểm và cảm nhận cá nhân của các nhà đầu. Tôi cũng ngưỡng mộ vốn từ và tiếng lóng cực kỳ phong phú của người Việt khi bàn luận về chứng khoán trên các diễn đàn.
Tôi không biết về các quỹ và tổ chức ngoại nhưng xét theo kinh nghiệm cá nhân thì tôi nghĩ rằng đối với nhà đầu tư nước ngoài nhỏ lẻ, đầu tư vào chứng khoán Việt Nam không dễ dàng. Sự hạn chế của room ngoại và sự thiếu thông tin bằng tiếng Anh về thị trường và các doanh nghiệp là hai ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, Việt Nam kiểm tra rất chặt chẽ nguồn tiền của nhà đầu tư nước ngoài nên thủ tục phức tạp có thể gây một chút bất tiện cho chúng tôi. Ví dụ tôi không được chuyển tiền sang tài khoản chứng khoán qua mạng (Internet banking) mà phải đến ngân hàng và làm thủ tục tại quầy giao dịch. Các nhà đầu tư nước ngoài có một tài khoản đặc biệt có tên tài khoản vốn đầu tư gián tiếp.
Tôi trải qua không ít chuyện dở khóc dở cười vì nhân viên ngân hàng thường không biết gì về thủ tục chuyển tiền của nhà đầu tư nước ngoài. Không ít lần tôi phải bàn cãi bằng tiếng Việt với họ, họ phải liên tục gọi điện hỏi đồng nghiệp này kia vì chưa bao giờ gặp một tình huống như vậy nên không biết xử lý. Để nạp tiền vào tài khoản chứng khoán, tôi phải cung cấp giấy chứng minh nguồn vốn và mục đích chuyển tiền cũng như bản sao của hợp đồng lao động hợp lệ. Điều may mắn là tôi biết ngôn ngữ nên có thể giải quyết mọi việc nhanh hơn.
Cuộc tình giữa tôi và chứng khoán Việt Nam bắt đầu vào đầu năm 2018 sau khi một bạn nước ngoài giới thiệu chứng khoán với tôi. Song tôi đã phải đợi hai ba tháng để công ty chứng khoán hoàn thành thủ tục và mở tài khoản cho tôi. Tôi bắt đầu giao dịch đúng vào thời điểm VN-Index lên đỉnh lịch sử vào đầu tháng 4/2018… Vừa mới dấn thân vào chứng khoán, tôi trải qua cú lao dốc không phanh của chỉ số từ 1.204 xuống 892. Sau đó tôi cũng trải qua thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ Trung và cú sốc Covid. Sau ba năm chiến chứng ở Việt Nam, giờ tôi đã quen với các biến động chóng mặt của thị trường, tôi không còn hoảng loạn khi nó sập hay tài khoản của tôi chìm vào lỗ. Giờ tôi biết giữ bình tĩnh và sự sáng suốt.
Ví dụ, khi thị trường vẫn ở trên 1.000 điểm năm 2018 tôi mua cổ phiếu HPG và HDB rồi sau đó phải ôm lỗ, chờ đợi suốt hai năm để ”về bờ”. Nhưng tôi không bán vì tin vào giá trị của hai doanh nghiệp, tôi biết rằng giá cổ phiếu sớm muộn hồi phục. Năm ngoái tôi cũng quyết định thay đổi chiến lược đôi chút và bắt đầu giao dịch trong ngắn, trung hạn nhiều hơn. Cuối năm 2020 Vn-Index tăng ngoạn mục và tôi cũng lãi đậm, đủ để bù đắp cho cả hai năm vốn âm. Và tôi đã thực sự vui mừng cùng các chứng sĩ khác khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử vào phiên 1/4/2021. Bây giờ tôi chủ yếu đầu tư vào VN30 và không chơi penny, phái sinh, chứng quyền hay tiền ảo vì không am hiểu về chúng. Mục tiêu chính của tôi khi đầu tư là bảo toàn vốn và không mất tiền, còn lãi ít hay nhiều thì tùy thời điểm, tùy cổ phiếu và may rủi thôi.
Thật lòng mà nói, thi thoảng tôi cảm thấy cô độc vì bạn bè của tôi không chơi chứng khoán nên tôi không có ai cả để tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm. Quan điểm chủ chốt về chứng khoán của các bạn bè là tôi không nên liều lĩnh vì ”chơi chứng khoán là 90% khả năng mất tiền” và vì chứng khoán là ”trò chơi bẩn của tay to, đội lái”. Trớ trêu thay, đại dịch Covid đã làm cho chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn và giúp thu hút nhiều nhà đầu tư mới, mặc dù một số cá nhân tham lam muốn ăn ngay và làm giàu nhanh, lao vào chứng khoán rồi chết sớm, ”vứt dép chạy” khi thị trường sập và oán giận khi bị đội lái ”úp bô”. Thật vậy, chiến chứng giống như cuộc đấu tranh sinh tồn của các động vật trong chuỗi thức ăn, nhỏ lẻ liên tục phải cảnh giác để tránh làm mồi cho cá mập.
Thời gian gần đây chúng ta hay nghe về vấn đề của khối ngoại bán ròng liên tục trong nhiều tháng liền bất chấp nhiều yếu tố khả quan như chỉ số P/E hấp dẫn của VN-Index và sự thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch. Lướt các diễn đàn, tôi cũng thấy nhiều nhà đầu tư lo lắng, hỏi vì sao ”Tây lông táng như phá mả”. Cũng có người nhận xét về thái độ của mấy ông giám đốc quỹ ngoại khi họ lên báo, toàn khen ngợi thị trường Việt Nam nhưng cùng lúc âm thầm xả cổ phiếu không thương tiếc. Tôi cũng thấy tiếc vì khối ngoại ”quay lưng” với chúng ta nhưng đồng thời tôi nghĩ rằng Việt Nam có lẽ không nên dựa và phụ thuộc quá nhiều vào khối ngoại và thay vì đó chú trọng vào sức nội và tìm cách để thu hút, đào tạo và xây dựng lòng tin với nhà đầu tư trong nước.
Mặc dù phần lớn dân Việt Nam tin vào tục ngữ ”phi thương bất phú” tức là muốn giàu thì phải kinh doanh, tôi nghĩ rằng đầu tư chứng khoán cũng là một cách kiếm tiền hấp dẫn không kém, thậm chí có những ưu điểm vượt trội nếu bạn là người thích làm việc độc lập và biết kiên nhẫn, quan sát.
Marko Nikolic
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị