Người Đồng Hành đã có cuộc nói chuyện với Lê Hàn Tuệ Lâm – Giám đốc đại diện cho Nextrans tại Việt Nam và Mỹ để nghe cô chia sẻ câu chuyện của một người phụ nữ làm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.

16 Th12, 2023
avatar post

– Đầu tư mạo hiểm vốn là lĩnh vực chiếm ưu thế bởi nam giới, cơ duyên nào đã đưa chị – một cựu sinh viên Đại học Ngoại thương – trở thành Giám đốc đại diện cho Nextrans tại Việt Nam?

– Sau khi ra trường tôi từng làm việc cho Citibank và một số công ty khác. Tuy nhiên, sau một thời gian tôi thấy môi trường này không phù hợp vì ở các tập đoàn lớn, họ chỉ muốn nhân sự là một phần rất nhỏ trong tập đoàn của mình, tuân theo các quy trình, thủ tục. Công việc cứ lặp đi lặp lại và tôi cảm thấy mình không thể làm mọi thứ tốt hơn được nữa.

Năm 2017, tôi về làm việc cho Base – một startup còn non trẻ lúc bấy giờ. Đó là một thử thách hoàn toàn mới với tôi, giống như việc tôi vừa bước ra khỏi vùng an toàn để đến một nơi có thể “chết đuối”. Khi ấy, cả văn phòng có chưa đến 10 người nên điều gì tôi cũng phải học, phải làm. Trong suốt quá trình đó, tôi học được rất nhiều từ CEO Hùng Phạm cũng như mọi người và hiểu rằng có rất nhiều điều mình có thể sáng tạo được. Startup cho chúng ta cơ hội thử sức ở mọi thứ. Tôi vẫn nói vui rằng, ở các tập đoàn lớn việc đảm nhận vị trí cao là rất khó, nhưng ở startup muốn chức danh gì cũng được.

Sau 2 năm gắn bó với Base, tôi hiểu rằng công ty đã đi rất vững rồi, dù có mình hay không thì Base vẫn thành công. Tôi thấy sứ mệnh của mình tại startup này đã hoàn thành, giờ mình phải làm điều gì đó to hơn một chút, tạo ra nhiều giá trị hơn. Lúc đó, tôi quyết định chuyển sang làm việc cho VC (quỹ đầu tư mạo hiểm). May mắn là tôi từng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, làm việc cho startup và học CFA nên khá sẵn sàng cho sự thay đổi này.

– Gia nhập Nextrans vào tháng 7 năm ngoái và ngay lập tức ngồi vào vị trí phải đưa ra quyết định cho các thương vụ đầu tư. Đó có phải thách thức lớn đối với chị?

– Để ngồi vào vị trí là người đưa ra quyết định đầu tư buộc mình phải có kiến thức về ngành, về startup. Tôi may mắn là đã cùng một startup đi từ chỗ chưa có gì đến khi đạt được những thành công nhất định.

Khi mới gia nhập Nextrans, tôi cũng rất sợ thất bại. Tôi sợ rằng mình chọn một thương vụ nào đó nhưng không thành công và tôi sẽ có cảm giác mình như tội đồ. Vì vậy tôi đề nghị với đội ngũ là thời gian đầu hãy cứ cho tôi đi để học hỏi, đừng để tôi đưa ra quyết định. Tôi sẽ cố gắng học nhanh nhất có thể.

Trong suốt 6 tháng đầu, tôi được mọi người hỗ trợ rất nhiều. Đa phần thời gian này tôi dành để quan sát cách mọi người làm và đi gặp hết các startup trong danh mục đầu tư của quỹ. Tôi học được một bài học rất hay từ một anh “senior” là khi gặp startup chỉ cần hỏi thôi, nếu thấy mô hình đó không khả thi thì cũng đừng nên cãi nhau với họ. Mục tiêu của VC là tích lũy nhiều kinh nghiệm, kiến thức nhất có thể và chỉ có thể tích lũy bằng việc hỏi càng nhiều càng tốt, vì vậy không nên lãng phí thời gian.

Khi tôi tự tin hơn một chút, cả đội ngũ đều khích lệ tôi đưa ra quyết định cho một thương vụ nào đó, dù đúng hay sai hãy thử làm và học từ cái “deal” (thương vụ) đó. Đến nay, tôi đã đưa ra quyết định cho 2 thương vụ, trong đó “deal” đầu tiên không phải ở Việt Nam mà là ở Mỹ. Đây là một startup trong mảng AI, giúp việc xạ trị mà không cần bác sỹ.

Hiện nay tôi vẫn đang trong quá trình học hỏi. Tôi nghĩ rằng người làm đầu tư mạo hiểm nào cũng cần tích lũy và có những hiểu biết nhất định. Đó là trách nhiệm của mình nên tôi sẽ cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức để đưa ra những quyết định và không hối hận về quyết định đó.

– Rất tò mò là chị đã “chốt” thương vụ đầu tiên như thế nào?

– Cuộc gặp của tôi và founder startup này diễn ra rất tình cờ. Khi sang Mỹ, tôi ở một căn Airbnb giống như một ký túc xá cao cấp có nhiều phòng và anh founder này cũng ở đó. Ngày cuối cùng tôi phải lên chuyến bay về Los Angeles, trong khi anh ấy cũng phải lên chuyến bay để về Canada. Vì 2 chuyến bay diễn ra gần nhau nên chúng tôi có thời gian tán gẫu và biết rằng một bên là VC, còn bên kia cũng có nhu cầu gọi vốn.

Sau cuộc trò chuyện chỉ kéo dài 15-20 phút đó, hai bên đã liên lạc để trao đổi kỹ hơn về mô hình kinh doanh của startup này. Chúng tôi nhận ra dù mô hình xạ trị bằng AI có thể chưa phù hợp với Việt Nam ở thời điểm hiện tại nhưng nó giống như công nghệ của tương lai.

Việc quyết định đầu tư diễn ra khá nhanh chóng, chỉ sau khoảng 2 tuần gặp mặt và hoàn tất mọi việc trong khoảng 3 tuần.

– Về cá nhân, quyết định đầu tư tiền bạc nào với chị là áp lực nhất?

– Quyết định lớn nhất của tôi có lẽ là có bao nhiêu tiền đầu tư hết vào chứng khoán. Tôi đầu tư từ năm thứ nhất đại học, có bao nhiều tiền tiết kiệm thì đầu tư bấy nhiêu. Thời gian đầu thấy lãi nên nghĩ mình giỏi lắm nhưng rồi tôi cũng bị thị trường vùi dập lên xuống và học được những bài học nhất định. Sau này tôi coi đầu tư như công việc hàng ngày.

Tôi thấy mình là người rất hợp với kiểu “high risk, high return” (rủi ro càng lớn thì lợi nhuận càng cao). Nếu một thương vụ đầu tư nào đó đem đến cho mình một mức lợi nhuận đủ cao và đủ hấp dẫn, tôi sẵn sàng đánh đổi. Tôi từng làm như thế nhiều lần, có lúc thất bại cũng có khi thành công. 

Đa phần khi có tiền mọi người thường nghĩ đến việc mua nhà, mua xe nhưng tôi nghĩ nếu như vậy sẽ rất khó để thế giới có thêm những tỷ phú mới. Muốn làm được những điều như Steve Jobs hay Bill Gates, bạn hoặc phải chơi lớn hoặc sẽ mãi cuộc sống thầm lặng như vậy. Và tôi thì không muốn như vế thứ 2.

– Giữa việc dùng tiền của mình và dùng tiền của quỹ để đầu tư, chị thấy việc nào áp lực hơn?

– Tôi nghĩ là như nhau bởi dùng tiền của bản thân hay tiền của quỹ thì mình vẫn là người chịu trách nhiệm, vẫn ảnh hưởng đến “brand name” (thương hiệu cá nhân) của mình. Một bên áp lực trực tiếp về tiền, bên kia áp lực về trách nhiệm, năng lực của bản thân. Với tôi cả 2 đều rất quan trọng nên với bất kỳ hình thức đầu tư nào đều cần phải cân nhắc, tính toán và xem mình sẵn sàng đánh đổi những gì.

Tôi là người rất khó chấp nhận thất bại vì nó khiến tôi nghi ngờ năng lực của bản thân. Nhưng tôi nghĩ mình cần học cách chấp nhận điều đó vì trong ngành đầu tư mạo hiểm, thất bại là điều mọi người phải thường xuyên phải đối mặt. 10 công ty startup, nếu được 2-3 startup trở thành công ty đủ lớn đã là rất thành công. Trong đầu tư mạo hiểm, an toàn quá đôi khi là điều cản trở hơn là thế mạnh.

– Có một nhà đầu tư mạo hiểm nữ nào khiến chị thấy được truyền cảm hứng không?

– Có nhưng đó là một nhân vật hư cấu. Nhân vật Monica trong series “Silicon Valley” ở vị trí tương tự như tôi, đi đầu tư vào các startup.

Nhiều người cho rằng lợi ích giữa nhà đầu tư và startup luôn xung đột, nếu bên này hơn một chút bên kia sẽ thiệt một chút và bạn sẽ rất khó để vừa làm nhà đầu tư tốt vừa làm một người tốt. Monica thì suy nghĩ ngược lại, cô luôn có mindset (tư duy) rằng việc trở thành một nhà đầu tư giỏi và một người tốt không cần xung đột với nhau. 

Nhìn nhân vật này, tôi thấy được truyền cảm hứng bởi Monica vừa giỏi, vừa tốt, vẫn thành công mà không cần đánh đổi gì cả.

– Theo chị, phụ nữ làm trong ngành đầu tư mạo hiểm thường gặp những bất lợi gì?

– Tôi nghĩ điều bất lợi lớn nhất mà mọi người thường dễ nhìn thấy là không biết bao giờ lấy được chồng vì luôn có quá nhiều việc để làm (cười).

Ở vị trí là người đưa ra quyết định, bạn phải thật lý trí, phải dựa trên số liệu và thực tế. Nhưng mình không thể trở thành một người phụ nữ lạnh lùng, vô cảm được. Tôi từng đọc được một câu đại ý rằng khi một người đàn ông nói, mọi người sẽ nghe trước rồi mới nhìn, nhưng với một người phụ nữ thì ngược lại. Phụ nữ được kỳ vọng vừa phải đẹp, vừa phải thu phục lòng người.

Một khó khăn nữa là khi bạn gặp những CEO hay founder là nam giới, họ nghĩ rằng việc một cô gái còn trẻ hơn mình lại tư vấn cho mình thì có thể phần nào thấy không phục. Vì vậy, ngoài việc trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng tốt, tôi nghĩ mình cần có thái độ cầu thị chứ không phải nói chuyện với startup với thái độ xin cho hay khệnh khạng.

– Nhưng chắc hẳn là ngoài những khó khăn như chị chia sẻ ở trên, một nhà đầu tư nữ vẫn có những thuận lợi hơn so với nam giới chứ?

– Tất nhiên là có. 95% những người làm VC là nam giới nên phụ nữ làm trong ngành này khi đã ngồi được vào một vị trí nhất định thì cũng nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp và những người cùng lĩnh vực.

Bên cạnh đó, phụ nữ cũng được các đồng nghiệp đối xử nhẹ nhàng hơn. Bản thân tôi thường làm việc 12 giờ mỗi ngày, ở Việt Nam điều đó đã thấy kinh khủng nhưng khi sang Hàn các đồng nghiệp có thể làm việc 14-15 giờ/ngày. Tuy nhiên vì là phụ nữ nên nếu tôi có đi làm về sớm một chút vẫn được mọi người ưu tiên.

Trong những cuộc nói chuyện nói chung, phụ nữ cũng có một số lợi thế như nhẹ nhàng, cởi mở hơn hoặc nếu nói chuyện với các nhà sáng lập/CEO nữ cũng có một số điểm chung nhất định.

– Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng phụ nữ thường dễ bị cảm xúc chi phối và sợ thất bại hơn đàn ông. Điều này có ảnh hưởng đến việc ra quyết định đầu tư của phụ nữ?

– Tôi nghĩ rằng nói sợ thất bại là do giới tính thì không đúng, đó là do cá tính của mỗi người. Nếu ai đó nghĩ phụ nữ thường hay cảm tính, hãy đọc cuốn sách “Warren Buffett invests like a girl” (“Warren Buffett đầu tư như một cô gái”) của tác giả Lou J. Spaventa.

Tôi nghĩ trong đầu tư phụ nữ thường lý trí hơn đàn ông bởi đàn ông thường có máu ăn thua. Và khi thua thường cay cú muốn lấy lại những gì đã mất, đôi khi sự cay cú đó khiến họ đưa ra quyết định sai. Đôi khi trên thị trường đầu tư, ngồi yên có thể là một lợi thế, với đàn ông có thể rất khó. Nhưng với phụ nữ, thấy cái này tốt sẽ làm, cái kia không tốt là không làm, đơn giản như vậy thôi. 

Phụ nữ chỉ cảm xúc trong tình cảm thôi, còn với lĩnh vực đầu tư phụ nữ sở hữu trí tuệ cảm xúc tốt hơn và nếu phát huy được thế mạnh của mình, họ sẽ không thua kém đàn ông.

– Theo quan sát của tôi, thời gian qua các quỹ đã năng động hơn rất nhiều trong việc tham gia các hội nhóm dành cho startup để tìm kiếm các thương vụ đầu tư. Không chỉ riêng startup, Covid-19 cũng buộc VC phải thay đổi?

– Tôi nghĩ rằng Covid-19 khiến cả startup và các quỹ đầu tư cùng trở nên năng động hơn. Startup cần tiền, thậm chí rất nhiều tiền để sống qua đại dịch. Trong khi đó các quỹ cũng gọi vốn, có KPI về giải ngân, nếu không giải ngân thì vẫn phải trả lãi cho nhà đầu tư.

Trong suốt thời gian qua, các đường bay quốc tế đóng cửa vì vậy các nhà đầu tư cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và tiếp xúc trực tiếp với startup. Năm 2020 sắp qua nhưng nhiều quỹ vẫn chưa tìm được “deal” nào, họ sẽ đối mặt với những áp lực nhất định và buộc phải năng động hơn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa phải tìm startup bằng mọi giá. Startup muốn được rót vốn vẫn phải thỏa mãn những tiêu chí cơ bản của quỹ và thực sự có tiềm năng chứ không quỹ nào muốn ném tiền qua cửa sổ. Sau Covid, các quỹ sẽ ngồi lại để xem trong trạng thái bình thường mới những ngành nào sẽ tạo ra trật tự mới về công nghệ.

Mọi người thường nói rằng, buổi sáng khi con nai thức giấc nó cần biết rằng nó phải chạy thật nhanh, nhanh hơn con sư tử chạy nhanh nhất nếu không sẽ chết, tương tự con sư tử cũng phải chạy thật nhanh nếu không muốn chết đói. Cách tiếp cận của tôi cũng tương tự như vậy. Dù là quỹ hay startup, mỗi buổi sáng thức dậy mình đều cần phải chạy, phải chạy đua với thời gian. VC cần chạy để tìm “deal”, startup cần chạy để hoàn thiện sản phẩm, để tìm kiếm khách hàng và phát triển công ty.

– Với riêng quỹ của chị, tiêu chí đầu tư thời Covid có bớt khắt khe hơn?

– Tôi nghĩ rằng không phải vì Covid-19 mà tiêu chí của quỹ khắt khe hơn hay giảm nhẹ đi, chúng tôi vẫn phải dựa trên những giá trị cốt lõi của startup và đội ngũ sáng lập. Sự khác biệt là ở chỗ hiện giờ mọi người đang đánh giá cao hơn các startup trong lĩnh vực offiline to online nên sẽ dành nhiều vốn cho mảng này, các startup lĩnh vực đó cũng có nhiều cơ hội gọi được vốn hơn.

Đại dịch vừa qua cũng là cơ hội để chúng tôi “test” khả năng lãnh đạo của các founder. Cách họ ứng biến và đưa công ty vượt qua thử thách là yếu tố quan trọng cần xem xét khi quyết định rót vốn.

– Trong 9 tháng năm nay, Nextrans Việt Nam đã thực hiện bao nhiêu thương vụ đầu tư?

– Chúng tôi cũng có 1-2 deal trong dịch. Quy trình của Nextrans rất nhanh gọn, thường bên tôi chỉ làm Due diligence (thẩm định) trong 2-3 tuần thôi, gần như không quỹ nào ở Việt Nam có thể cạnh tranh với tốc độ đó.

Nextrans dùng tiền của người sáng lập ra quỹ nên trong quá trình đưa ra quyết định chỉ cần thống nhất với nhau là xong. Nhưng với đa phần các quỹ khác họ bị ràng buộc với hội đồng đầu tư, phải thuyết phục được những người bỏ tiền vào vì vậy sẽ có nhiều quy trình và tốn nhiều thời gian hơn.

Tất nhiên Nextrans cũng sẽ có các quỹ nhỏ, gọi thêm các nhà đầu tư khác tham gia. Với những các quỹ như vậy, thời gian sẽ kéo dài hơn một chút. Nhưng nhìn chung chúng tôi luôn cố gắng làm Due diligence thật nhanh, càng sớm càng tốt. 

– Trong bối cảnh Covid-19, tình hình các startup thuộc danh mục của Nextrans ra sao?

– Tôi nghĩ là với bất kỳ quỹ nào, trong danh mục sẽ có ít nhiều ngành bị ảnh hưởng, đặc biệt nếu đầu tư vào các lĩnh vực như du lịch, đặt phòng, tổ chức sự kiện… Nhưng điều quan trọng là các startup đó làm cách nào để vượt qua khó khăn và có biết cách tận dụng cơ hội không.

Trong danh mục đầu tư của Nextrans có startup tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu làm việc online tăng cao. Bên cạnh đó cũng có những startup chịu ảnh hưởng rất nặng nhưng chính trong những khó khăn đó, họ lại rất linh hoạt trong việc tìm kiếm những mô hình mới giúp công ty có doanh thu để tiếp tục tồn tại. 

– Nextrans hỗ trợ startup trong giai đoạn này như thế nào?

– Chúng tôi nói chuyện với các startup nhiều hơn bình thường để xem họ đang cần gì và mình giúp được gì cho họ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giúp các công ty kết nối với các đối tác khác để đẩy mạnh mô hình kinh doanh của họ. 

Nếu công ty nào đó cần một khoản tiền để sống sót, Nextrans cũng sẵn sàng bỏ tiền vào, dù ít hay nhiều thì cũng giúp họ sống đến sau dịch.

– Chị đánh giá như thế nào về dòng vốn đổ vào startup Việt và các nước trong khu vực trong năm 2020?

– Trong bối cảnh Covid-19, lượng vốn đổ vào các startup giảm là điều không bất ngờ. Nhiều thương vụ thông báo gọi vốn thành công trong năm nay nhưng thực tế quyết định đầu tư có thể được “chốt” từ năm ngoái. Dù hiện nay chưa có số liệu cụ thể nhưng tôi nghĩ Việt Nam cùng với Singapore và Indonesia là 3 nước thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất khu vực trong năm nay.

Việt Nam đã làm rất tốt trong đại dịch nên đây sẽ là thị trường đa phần các nhà đầu tư muốn đặt chân đến. Thời điểm hiện tại có thể chưa nói được nhiều điều nhưng chỉ vài tháng nữa dòng vốn sẽ đổ vào nhiều hơn.

– Đặt bản thân mình vào vị trí CEO/ founder một startup, chị sẽ làm gì trong thời Covid?

– Theo tôi, có 3 việc cần làm. Thứ nhất là giữ cho đội ngũ của mình an toàn, đừng để ai trong công ty mắc Covid-19; Thứ hai là giữ tiền mặt. Thứ ba là người đứng đầu công ty cần giữ thái độ lạc quan bởi mọi người đều nhìn vào bạn, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hay thất vọng, nó có thể “lây” sang các nhân viên khác.

Trong danh mục của chúng tôi, có một startup đã làm rất tốt điều này. CEO viết tâm thư cho mọi người và nói rằng “we fight or we die” (chúng ta phải chiến đấu hoặc chết) vì trong thời Covid, chỉ có 2 loại công ty có thể đi tiếp: hoặc là quá xuất sắc hoặc là vô cùng chăm chỉ.

Sau khi nhận được thư, mọi người hiểu rằng cần phải cố gắng hơn nữa và cùng nhau nhìn về một hướng để “con thuyền” startup của họ không bị đắm. Bản thân tôi cũng đã học được rất nhiều từ câu chuyện này.

– Với kinh nghiệm làm VC, chị có dự định sẽ tự sáng lập một startup không?

– Tôi từng gặp nhiều startup, được nghe họ chia sẻ các ý tưởng, học được nhiều kinh nghiệm về cách vận hành công ty. Tuy nhiên, quan sát trên thị trường sẽ thấy một điều là đa phần những người đứng đầu quỹ có thể trước đó đã startup thành công, sau đó có tiền và mở quỹ. Nhưng tôi thấy hiếm thấy ai làm ngược lại.

Làm startup thường mình sẽ nhìn thấy nhiều cơ hội hơn rủi ro bởi ngay từ đầu đã thấy quá nhiều rủi ro thì không ai muốn làm nữa. Đôi khi startup phải tự lừa dối bản thân rằng mình đã làm được rất nhiều rồi, có thể làm tốt hơn nữa, như vậy mới có động lực làm việc.

Nhưng làm đầu tư mạo hiểm thì khác, bạn luôn phải đánh giá rủi ro và có tư duy phản biện, thường nhìn vấn đề gì cũng thấy điểm yếu. Vì vậy, tôi nghĩ mình sẽ khó có thể startup sau khi đã làm VC.

Cảm ơn chị!

Bài: Diệu Tuyết/ Ảnh, Thiết kế: Bảo Linh