Nghiên cứu của Đại học Harvard: Trong mọi kênh đầu tư, khoản CÓ LÃI NHẤT tới từ việc thường xuyên vận động

15 Th12, 2023
avatar post

(1)

Tập thể dục, bài thuốc có thể chữa lành mọi muộn phiền

Trong y học, có một khái niệm gọi là “phản ứng somatization”, tiếng Việt là hiệu ứng “rối loạn dạng cơ thể”. Những người mắc phản ứng somatization thường có vấn đề về cảm xúc, nhưng lại không có biểu hiện về mặt tâm lý mà được chuyển thành các triệu chứng trên cơ thể.

Ví dụ, trầm cảm sẽ đi kèm với các triệu chứng thể chất điển hình như đau đầu, đau lưng, mất ngủ, căng cơ và đau nhức. Nếu một người mắc bệnh trầm cảm và không được điều trị kịp thời, các triệu chứng về tinh thần hoặc cảm xúc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

Và ngược lại, sự khó chịu về thể chất sẽ làm tăng mức độ căn bệnh tâm lý mà họ mắc phải.

Cựu phó chủ tịch của Vanke, được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm ở mức trung bình, thời gian đầu, ông mất ngủ cả đêm và ban ngày thì thấy vô cùng hỗn loạn. Sau đó, tình trạng kém ăn, chán ăn, giảm khả năng miễn dịch, loét miệng, cảm lạnh đều ập đến.

Bác sĩ kê cho ông 7 loại thuốc chống trầm cảm khác nhau, lo lắng về di chứng nên ông bắt đầu chạy bộ theo sự khuyên bảo, thúc giục từ bạn bè.

Lúc đầu là 800 mét, rồi 1000 mét, 2000 mét … cứ chạy và chạy, dần dần khiến ông chìm đắm vào cảm giác này.

Sau đó, mỗi ngày ông ấy đều chạy 10 km, dậy lúc 5h30 và kết thúc việc chạy bộ chỉ sau 6h hơn, rồi đi tắm và có tâm trạng thoải mái, tươi tỉnh cả ngày.

Bạn chạy càng xa, sẽ càng đến với chính mình, bởi vì bạn có thể nhìn thấy rõ bản thân. Sức hấp dẫn của thể thao nằm ở việc tận hưởng sự trống trải trong tâm trí, đó là một trạng thái vô cùng tuyệt vời của cuộc sống.

Một nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Harvard cho thấy, chạy bộ 15 phút mỗi ngày hoặc đi bộ một giờ mỗi ngày làm giảm nguy cơ trầm cảm xuống 26%. Ngoài việc làm giảm các triệu chứng trầm cảm, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên có thể ngăn ngừa bệnh trầm cảm tái phát.

Nghiên cứu của Đại học Harvard: Trong mọi kênh đầu tư, khoản CÓ LÃI NHẤT tới từ việc thường xuyên vận động - Ảnh 1.

(2)

Theo “Tâm lý học thể thao”, tập thể dục có ít nhất mười lợi ích cho sức khỏe tinh thần:

Thứ nhất, tăng mức serotonin, dopamine và norepinephrine trong não.

Ở những người bị trầm cảm, lo âu hoặc các rối loạn tâm thần khác, mức độ của các chất dẫn truyền thần kinh này thường ở mức thấp và tập thể dục giống như một loại thuốc tăng mức độ dẫn truyền thần kinh và bình thường hóa chúng.

Thứ hai, tăng endorphin.

Endorphin là thuốc giảm đau tự nhiên, tập thể dục nhịp điệu sẽ kích thích giải phóng endorphin và đưa chúng đi khắp cơ thể.

Thứ ba, cải thiện tâm trạng.

Đi bộ khi bạn mệt mỏi hoặc cáu kỉnh và tập nâng tạ khi bạn lo lắng có thể làm giảm căng thẳng, tăng cường giải phóng năng lượng và giúp chúng ta cảm thấy vui vẻ hơn.

Thứ tư, giải tỏa và quản lý áp lực, giúp cơ thể đi vào trạng thái thư giãn sâu.

Tập thể dục giúp chúng ta bình tĩnh và thư giãn hiệu quả hơn, tăng khả năng chống chịu với các áp lực hàng ngày, và do đó, tập thể dục làm giảm tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm. Trong điều trị trầm cảm ở mức trung bình, tập thể dục có tác dụng tương tự như dùng thuốc hướng thần hoặc các liệu pháp tâm lý.

Thứ năm, giảm bớt lo lắng, phiền muộn.

Tập thể dục tăng cơ có thể làm giảm căng thẳng và lo lắng về thể chất và tinh thần, tập thể dục nhịp điệu có thể giúp giảm suy nghĩ tiêu cực.

Thứ sáu, cải thiện sự rõ ràng và hiệu quả tư duy, và cải thiện chức năng nhận thức.

Khi chúng ta tập thể dục, tư duy của chúng ta trở nên rõ ràng hơn, và khả năng học tập, khả năng phán đoán, sự minh mẫn sáng suốt và trí nhớ của chúng ta đều được nâng cao. Một số nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng lợi ích của việc tập thể dục đối với não bộ còn kéo dài đến cả tuổi trung niên.

Thứ bảy, mài giũa trực giác của chúng ta, nâng cao tính sáng tạo và sự quyết đoán, đồng thời nâng cao nhiệt huyết của chúng ta đối với cuộc sống.

Tập thể dục làm tăng sóng não alpha, sóng điện não này có liên quan đến việc khiến trực giác tốt hơn và có thể dẫn đến khả năng sáng tạo lớn hơn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng động não khi đi bộ có khả năng sáng tạo cao hơn 60% so với động não khi ngồi vào bàn làm việc.

Thứ tám, cải thiện mối quan hệ giữa các cá nhân.

Tập thể dục theo nhóm hoặc theo cặp làm tăng sự tương tác và kết nối giữa con người với nhau, đồng thời giảm cảm giác bị cô lập và cô đơn.

Đối với một cặp vợ chồng hoặc một gia đình, tập thể dục chung có thể cải thiện và củng cố các mối quan hệ gia đình.

Thứ chín, là nâng cao lòng tự trọng và sự hài lòng về hình tượng cá nhân.

Tập thể dục giúp chúng ta cảm thấy hài lòng về vẻ ngoài và con người thật của mình.

Thứ mười, là tăng kết nối về mặt tinh thần.

Đi bộ, chạy, yoga, thái cực quyền và nhiều loại hình thể dục khác có thể cải thiện nhận thức về bản thân, sức sống và cảm giác kết nối của chúng ta.

Nói tóm lại, tập thể dục là một trong những cách tốt nhất để cải thiện tâm trạng, nâng cao cảm giác hạnh phúc và sự hài lòng với cuộc sống. Nó không chỉ giúp bạn khỏe mạnh hơn mà còn là chìa khóa để bạn sống một cuộc sống mà bạn hằng mơ ước.

Nghiên cứu của Đại học Harvard: Trong mọi kênh đầu tư, khoản CÓ LÃI NHẤT tới từ việc thường xuyên vận động - Ảnh 2.

(3)

Vận động viên thể hình nổi tiếng Lee Haney cho biết: Tập thể dục là để phát triển, không phải là hành hạ bản thân. Thế giới không được hình thành trong một ngày, và chúng ta cũng vậy. Đặt ra những mục tiêu nhỏ và tiến dần lên theo cách của bạn.

Theo tần suất, cường độ, thời lượng và loại bài tập, nguyên tắc “FITT” được đưa ra trong “Tâm lý học thể thao”.

Về tần suất, nên bố trí tập aerobic 3-5 ngày trong tuần. Nếu bạn chưa quen với một kế hoạch tập luyện về sức khỏe tinh thần, 3 ngày một tuần là một tần suất lý tưởng để bắt đầu. Bạn cũng nên bổ sung luyện tập tăng cơ 2-3 lần một tuần, nghỉ ngơi ít nhất 48 giờ để cơ phục hồi.

Về cường độ, cường độ tập luyện của bạn nên vừa phải nhưng cần nằm ngoài vùng thoải mái của bạn.

“Vùng thoải mái” là khái niệm tương đối. Đối với những người mới bắt đầu tập thể dục, đi bộ trong công viên có thể được coi là vượt ra ngoài vùng thoải mái rồi.

Dù thế nào cũng hãy vận động trước, tăng cường độ lên từng chút một sẽ dần dần cải thiện sức bền của bạn và nhận được lợi ích của việc tập luyện ngày càng nhiều hơn.

Về lâu về dài, thói quen tập luyện 3 lần một tuần và tập 30 phút với cường độ trung bình là phương pháp được các chuyên gia thể dục khuyến khích nhất.

Điều quan trọng là tổng thời gian tập luyện là 90 phút mỗi tuần, mà không phải thời lượng tập luyện hàng ngày, vì vậy bạn có thể linh hoạt về thời gian tập luyện của mình.

Về các loại bài tập, chúng ta cần biết rằng có ba loại bài tập: bài tập thể dục nhịp điệu, bài tập kỵ khí và bài tập rèn luyện sự dẻo dai. Có nhiều dạng bài tập khác nhau, không chỉ giúp chúng ta tăng hứng thú và có động lực tập thể dục hơn mà còn giữ cho cơ bắp và não bộ của chúng ta hoạt động thường xuyên để tối đa hóa lợi ích của việc tập thể dục.

Tôi thường nghe có người nói: “Dù tập bài tập gì tôi cũng không thể kiên trì được.” Dù hiểu rõ lợi ích của việc tập thể dục nhưng có thể hình thành được thói quen tốt này không, vẫn phải dựa vào nghị lực của mỗi người.

Những người không có thời gian để tập thể dục cần phải tích cực tập luyện nhất có thể trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Ví dụ, việc đầu tiên cần làm vào buổi sáng là khởi động và vươn vai; trong ngày, bạn có thể tìm cơ hội để kéo căng cơ và xương cốt; leo lên các bậc thang của nhà ga, đi xe đạp, v.v. thay vì đi bộ; thực hiện các bài tập giãn cơ khi xem phim vào buổi tối …

Điều quan trọng nhất là phải “vận động”, ngay cả khi nó chỉ diễn ra trong vài phút mỗi lần. Tích tiểu thành đại, cũng có thể cải thiện hiệu quả trạng thái thể chất và tinh thần của chúng ta.

Khỏe mạnh không chỉ là không ốm đau, mà còn là thức dậy, rời giường, làm bữa sáng, vận động và cảm thấy cơ thể của mình thật là tuyệt vời; là việc bạn có một trí óc nhạy bén, rõ ràng, minh mẫn và một tâm hồn vui vẻ hạnh phúc.

Cha mẹ Việt thường bật tivi, điện thoại để dỗ con ăn, nhưng cha mẹ Nhật không làm vậy: 4 tuyệt chiêu dạy con thành đứa trẻ tự lập, ham học, bản lĩnh!

Theo Đình Trọng

Trí Thức Trẻ