Một triệu quy trình cũng không thay thế được một nền văn hoá tốt & tích cực
Thế giới quan mang tính chủ quan cá nhân này chủ yếu hình thành từ kinh nghiệm cá nhân rút ra từ thực tế công việc điều hành doanh nghiệp của mỗi người.
“Một đời quản trị” là một trong những cuốn sách đúc kết rất sâu sắc về đề tài quản trị dành cho lãnh đạo. Chương viết về VHDN của bác Phan Văn Trường (Cựu phó chủ tịch tập đoàn Alstom Power, Pháp) chia sẻ rất hay. Ở vị trí lãnh đạo cao cấp thời gian rất dài tại các tập đoàn đa quốc gia toàn cầu, một số đúc kết sau của bác Trường mình thấy rất thực tế và đáng để các lãnh đạo doanh nghiệp tham khảo, kể cả đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.
Văn hoá đứng trên quy trình
“Một triệu quy trình cũng không thay thế được một nền văn hoá tốt & tích cực”
Rất đúng. Quy trình, dù được xây dựng kỹ và chuẩn đến đâu, cũng không bao giờ bù đắp hết được, bao quát hết được thực tế vận hành của một tổ chức. Chỉ có văn hoá doanh nghiệp (khi các giá trị cốt lõi thực sự đi vào cuộc sống hàng ngày) mới làm được điều này.
Gần đây, khi làm việc với lãnh đạo một doanh nghiệp tư nhân đa ngành (dự án Chiến lược thương hiệu) có nhân sự 400 người, CEO cũng cùng quan điểm này khi anh cho rằng văn hoá sẽ lên tiếng khi quy trình quản trị bị bỏ sót. Đã từng làm lãnh đạo phụ trách kinh doanh sales & marketing ở khối doanh nghiệp, mình thấy rằng VHDN sẽ tự động chi phối hành vi một cách vô thức (unconscious) của các thành viên của tổ chức kể cả khi không có quy trình.
Quan niệm về đo lường trong quản trị
“Chiểu theo kinh nghiệm nhiều năm làm việc, tôi khuyên các bạn chỉ nên đo vừa đủ những gì phải đo để quản lý. Chỗ còn lại hãy dành cho lương tri, cho nhân tâm, cho linh tính.”
Rất tâm đắc với kết luận này. Mình có thói quen mô hình hoá và lượng hoá trong công việc tư vấn. Quá trình đúc kết thành framework là hành trình vất vả, tốn thời gian nhưng rất thú vị của một nhà quản trị. Nhưng “đo lường vừa đủ” là điểm các nhà lãnh đạo có xu hướng kỹ trị logic cần hết sức quan tâm. Như thế nào là vừa đủ là câu hỏi và thách thức lớn. Và quan điểm của bác Trường về vai trò của “Nhân tâm & linh tính” là một cách nhìn chuẩn mực. Quản trị khó nhất là tìm ra điểm cân bằng này – anh phải bài bản, có cơ sở logic về phương pháp luận nhưng có những lúc, sự nhạy cảm cá nhân là một dạng năng lực đặc biệt. Thế mới có cần đến những nhà quản trị làm kinh doanh.
Đối với lãnh đạo, hiệu quả & năng suất quản trị đến từ tư duy & lý luận mang tính hệ thống
“Chúng ta thích núp sau những biểu đồ và phần mềm chỉ giúp ích một cách giới hạn cho việc quản lý, trong khi đó lại ít lãnh đạo doanh nghiệp có được tư duy và lý luận mang tính hệ thống cho phép họ quản trị bài bản”
Ở góc nhìn của một lãnh đạo công ty đa quốc gia cho phép bác Trường nhìn ra được vai trò to lớn của năng lực tư duy & lý luận mang tính hệ thống. Đến một lúc nào đó, kinh nghiệm không sẽ không đủ.
“Một đời quản trị” – chắc nhiều lãnh đạo đã đọc cuốn sách quý này.
Review lại một số kết luận theo quan điểm cá nhân mình, là giá trị nhất.
BrandSon
FB Nguyễn Đức Sơn