Mô hình nền kinh tế chia sẻ và những vấn đề đặt ra tại Việt Nam
Hội thảo lấy ý kiến “Đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế” do CIEM chủ trì ngày 8/12.
Thách thức và cơ hội
Một số loại hình kinh tế chia sẻ (KTCS) mới bước đầu phát triển ở Việt Nam nhưng đã cho thấy ưu thế vượt trội và khẳng định được vị thế trong nền kinh tế, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Lưu Đức Khải – Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương CIEM: “Các mô hình kinh tế chia sẻ trước hết đem lại nhiều tác động tích cực, như: huy động được phương tiện, tài sản nhàn rỗi vào sản xuất, kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; mở rộng, tăng nhanh các loại giao dịch trên kinh tế thị trường, bổ sung kênh kinh doanh mới; thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động…
Ở Việt Nam, dù mới phát triển nhưng kinh tế chia sẻ cũng nổi lên với 3 loại hình dịch vụ như vận tải trực tuyến (Grab, Fastgo); dịch vụ chia sẻ phòng nghỉ (Airbnb, Travelmob, Laxstay), và cho vay ngang hàng P2P lending. Một số dịch vụ khác cũng bắt đầu xuất hiện như: chia sẻ chỗ làm, gửi xe, chia sẻ nhân lực. Mô hình kinh tế chia sẻ đang phát triển nhanh chóng cùng với sự phổ biến của smartphone tại một số đô thị những năm gần đây.
Kết quả khảo sát của Facebook và Morning Consult cũng ghi nhận 77% doanh nghiệp nhỏ trên Facebook cho biết sử dụng ứng dụng nền tảng này để tăng doanh số bán hàng, và khoảng 76% doanh nghiệp nhỏ có thể tuyển dụng nhân viên thông qua ứng dụng Facebook. Hiện có khoảng 78 triệu người dùng Facebook trên thế giới có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.
Kinh tế chia sẻ đang là xu hướng mới song hành cùng cuộc cách mạng về công nghệ thông tin trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số, là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam hiện nay.
Theo các chuyên gia, phát triển kinh tế chia sẻ có thể góp phần giúp Việt Nam thích ứng nhanh chóng với những đổi thay lớn đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hướng tới xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập theo xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0; phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo cùng mọi nguồn lực để đất nước tiến lên phía trước và mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng kinh tế.
Cần hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý kinh tế chia sẻ. Ảnh minh họa
Cần cơ chế chính sách phù hợp
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng mô hình kinh tế chia sẻ cũng tạo ra nhiều hệ lụy như việc huy động đầu tư quá mức; tạo ra xung đột lợi ích và gây mất việc ở khu vực kinh tế truyền thống; khó khăn trong việc thu thuế; phát sinh nhiều vấn đề quan hệ lao động và đặc biệt là rủi ro một số mô hình kinh tế KTCS có nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm và “lũng đoạn”.
Hiện đang có xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình KTCS ở Việt Nam. Thậm chí các tập đoàn nước ngoài chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam (như với Tiki, Sendo…). Các nhà đầu tư nước ngoài giữ vai trò dẫn dắt và chi phối các chủ thể tham gia các mô hình kinh doanh chia sẻ ở trong nước và kết nối với mạng lưới các chi nhánh khác ở nước ngoài.
Theo ông Vũ Xuân Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông- vận tải: “Chúng ta còn thiếu các chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể, như sự bất bình đẳng trong đăng ký kinh doanh; trong kiểm soát số lượng xe; trong việc xác định giá thành dịch vụ giữa Grab và các doanh nghiệp taxi truyền thống.
Có thể thấy rằng, các hãng taxi truyền thống đang bị kiểm soát chặt chẽ và khắt khe hơn so với các taxi công nghệ, dẫn đến nhiều trường hợp như gia tăng áp lực cho cơ sở hạ tầng giao thông vận tải vì số lượng xe Grab gia tăng ngày một nhiều; hay việc được đi vào những tuyến đường mà taxi truyền thống bị cấm… Hiện cũng còn thiếu các qui định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là xác định rõ hơn nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử có liên quan đến kinh tế chia sẻ.
Theo các chuyên gia, Nghị định số 52/2013 /NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 về Thương mại điện tử hiện nay còn chưa bao quát được hết các hành vi thương mại điện tử trong kinh tế chia sẻ. Trong khi đó để quản lý hoạt động Thương mại điện tử cần kết hợp với một số Nghị định khác như Nghị định số 86 của Bộ Giao thông Vận tải và các Nghị định khác.
Luật bảo vệ người tiêu dùng số 59/2010/QH12 ngày 17/11/2010 cũng cần được xem xét, bổ sung để có phạm vi điều chỉnh; quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan đối với người tiêu dùng trong các giao dịch liên quan tới kinh tế chia sẻ.
Khung pháp lý về hoạt động kinh doanh hiện nay vẫn “thuần túy” là các quy định kinh doanh truyền thống, mà chưa có các quy định hay điều chỉnh các hoạt động kinh doanh “chia sẻ”, gây khó khăn trong việc phát triển các hoạt động kinh doanh chia sẻ nhằm phát huy tối đa việc tận dụng các nguồn lực dư thừa của xã hội và sử dụng hiệu quả hơn các tài sản sẵn có của xã hội.
Về mặt thuế, đối với loại hình kinh doanh nào có đăng ký, bất kể là theo mô hình kinh tế chia sẻ hay theo mô hình kinh doanh truyền thống, Bộ Tài chính cũng có thể thu đủ theo loại hình kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay đối với các doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam, chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức trực tiếp do không quản lý được đầu vào ở nước ngoài và không có trụ sở thường trú tại Việt Nam.
Điều này, gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Khoảng trống về nghĩa vụ thuế của các loại công ty này trong kinh tế chia sẻ diễn ra tại Việt Nam cần được khắc phục.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để Việt Nam khai thác tối đa điểm mạnh của mô hình kinh tế chia sẻ, cần tận dụng cơ hội cho phát triển kinh tế – xã hội của mô hình kinh tế chia sẻ mang lại; tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bắt kịp xu hướng chung của thế giới.
Đồng thời, nhà nước cần nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh, đào tạo nhân lực, kết nối giữa các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Ðặc biệt là đẩy nhanh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử và cơ sở hạ tầng thông tin, nhất là xây dựng hệ thống dữ liệu mở, thông suốt để phục vụ quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ.
Trương Hưng
Tạp trí Doanh nghiệp và Tiếp thị