GS. Nguyễn Mại: Việt Nam là miền đất hứa cho doanh nghiệp Nhật Bản.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư khẳng định: Mối quan hệ ngoại giao, kinh tế Việt Nam – Nhật Bản đang đi vào thực chất hơn, đặc biệt việc 15/30 doanh nghiệp được Chính phủ Nhật tài trợ để rút khỏi Trung Quốc đã chọn Việt Nam cho thấy Việt Nam thực sự là miền đất hứa đối với họ.
Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE
Thưa ông, Việt Nam được chọn là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm đầu tiên trên cương vị là tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Ông có nhận định gì nhân sự kiện này?
– Đứng ở góc độ thuần túy kinh tế, vốn đầu tư Nhật dẫn đầu trong các nhà đầu tư vào Việt Nam gần như là truyền thống. Quan hệ kinh tế không tách rời quan hệ chính trị, văn hóa, xã hội. Người Nhật coi trọng người Việt và người Việt cũng vậy. Hiện nay hai ông lớn là Nhật và Hàn Quốc, họ đều coi Việt Nam là nhân tố quan trọng không chỉ ở Đông Nam Á mà còn cả ở châu Á.
Đối trọng của cả hai ông này là nước khổng lồ Trung Quốc, chính vì vậy việc hợp tác cùng có lợi với Việt Nam để cùng thắng “win – win” đã khiến quan hệ kinh tế ngày càng thực chất, trở thành đối tác hùng mạnh.
Một điểm đáng chú ý là trong hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với cả Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta không có chuyện biên giới, chuyện lịch sử hay chiến tranh để lại, Việt Nam cũng không nhắc đến vấn xung đột lợi ích, chúng ta gác lại các vấn đề lịch sử nên cả hai dân tộc cùng tiến bước, xây đắp nhiều công trình, kỳ án lớn.
Hơn nữa, Việt Nam và Nhật đều có quan tâm đến chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương như mục tiêu thịnh vượng của dân tộc mình, đây cũng là chính sách hướng đông của Nhật Bản, Mỹ nhằm duy trì cân bằng tiềm lực kinh tế, sự ảnh hưởng và vai trò của mình. Việt Nam là đối tác tin cậy và phù hợp cho mục tiêu này.
Trong một thế giới trật tự chính trị và kinh tế đang khá hỗn loạn, đang được tái cơ cấu, sắp xếp lại, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn khá tốt, điều này xuất phát từ đâu? Và thời gian tới cả hai nước cần làm gì để duy trì, phát triển?
– Đây cũng là câu chuyện của Mỹ, họ cũng đề cập đến chiến lược phát triển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương trong đó Việt Nam là nhân tố chủ chốt, quan trọng đặc biệt.
Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đều được Nhật Bản ủng hộ trong các hợp tác đa phương như WTO, CPTPP.
Tôi nhớ, khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản đã rất tích cực ủng hộ Việt Nam để Việt Nam tham gia sâu rộng vào CPTPP như một thành viên tích cực, quan trọng. Điều đó chứng minh, đối với Nhật, Việt Nam là một đối tác rất quan trọng, đặc biệt hiếm có mối quan hệ nào được như vậy trong bối cảnh thế giới ngày càng nhiều xung đột, mâu thuẫn.
Không phải đến nhiệm kỳ của Thủ tướng Suga mà ngay cả nhiệm kỳ cựu Thủ tướng Abe Zhinzo, khi lên làm Thủ tướng của Nhật, ông đã gặp gỡ cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, điều này chứng minh chính sách của họ không thay đổi dù có thay đổi người đứng đầu.
Hơn nữa, Nhật là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, ngay cả khi có vấn đề về tham nhũng tại dự án Đại lộ Đông Tây (TP.HCM năm 2010), phía Nhật Bản dù có đưa ra tuyên bố cứng rắn, song sau đó cũng khởi động lại các khoản vay lớn cho Việt Nam.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng của ông Suga được báo giới quốc tế và trong nước kỳ vọng rất cao. Nhiều tờ báo hàng đầu khu vực khẳng định chuyến thăm này sẽ cụ thể hóa mục tiêu đưa Việt Nam vào chuỗi giá trị khu vực của Nhật Bản, ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?
– Tôi rất kỳ vọng! Bằng chứng là gần đây có 30 doanh nghiệp đầu tiên được Chính phủ Nhật tài trợ tiền để rút khỏi Trung Quốc sang các nước ASEAN, thì có đến 15 doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoặc đầu tư mới vào Việt Nam.
Phía Nhật Bản theo tôi được biết còn tổ chức nhiều đợt hỗ trợ doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc và đợt thứ 2 theo Tổ chức Xúc tiến và Thương mại Nhật Bản (Jetro) hiện có đến 70% doanh nghiệp Nhật được Chính phủ Nhật tài trợ rút khỏi Trung Quốc tỏ ý muốn sang Việt Nam.
Tôi phải khẳng định, FDI biểu hiện hợp tác rất tốt giữa hai nền kinh tế, hợp tác này có lợi cho hai bên và cũng do Việt Nam có những cải thiện rất đáng kể về môi trường đầu tư và kinh doanh.
Nói thêm về xu hướng rút doanh nghiệp khỏi Trung Quốc, việc cả Mỹ, EU và Nhật muốn chuyển doanh nghiệp của mình từ Trung Quốc về nước hoặc sang nước thứ 3 không phải sau đại dịch Covid-19 mới có mà nó diễn ra từ đầu thế kỉ XXI đã có xu hướng Trung Quốc + 1.
Người ta thấy đầu tư Trung Quốc rất tốt nhưng rủi ro cũng rất cao, đầu tư vào Trung Quốc + 1 có nghĩa là đầu tư vào Trung Quốc nhưng chuẩn bị một nước thứ 3 để sẵn sàng dịch chuyển nếu có bất trắc, có rủi ro.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này không phải dễ bởi Trung Quốc là thị trường với 1,4 tỷ dân, sức mua cực lớn và Trung Quốc hiện có vốn FDI lên đến trên 2.000 tỷ USD, việc rút một vài doanh nghiệp không ảnh hưởng quá nhiều.
Nhiều kỳ vọng vốn và doanh nghiệp Nhật rời Trung Quốc sang Việt Nam, song để nền kinh tế của Việt Nam hấp thụ được còn phải cải thiện nhiều, đặc biệt là khả năng trở thành những mắt xích trong chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu?
– Nếu Mỹ hay Nhật thúc đẩy quá trình rút doanh nghiệp khỏi Trung Quốc nhanh, thì chúng ta chỉ cần 1/10 số vốn FDI (tương đương 20 tỷ USD) đã đủ cho nền kinh tế của Việt Nam hấp thụ được. Dư địa còn lại cần phải dành cho kinh tế tư nhân trong nước có thể phát triển.
Dẫu chúng ta còn có nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, chất lượng thể chế chính sách và nhân lực, nhưng sự hiện diện của hàng loạt tập đoàn lớn của Nhật cả ở công nghiệp nặng, tiêu dùng, đến tài chính cho thấy chúng ta đang là miền đất hứa cho các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nhiều nước khác nói chung.
Hiện nay, quy mô GDP của Việt Nam đã vượt qua Singapore và vươn lên vị trí thứ 4 sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Điều này càng khiến vai trò và vị thế của chúng ta ngày càng lớn và ngày càng được xem trọng hơn trên trường quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tuyền (Thực hiện)