Đây là 3 kiểu người “luôn thắng” trong kinh doanh: Không liên quan gì tới “chống lưng” hay tiền bạc như số đông vẫn tưởng
Jeff Bezos thành lập Amazon với khởi đầu là một cửa hàng sách trực tuyến trong nhà để xe của mình vào năm 1994. Ngày nay, Amazon đã trở thành “đế chế” có vốn hóa thị trường khoảng 1.600 tỷ USD và Bezos là người giàu nhất thế giới với tài sản 163,3 tỷ USD, theo Forbes.
Trên hành trình này, Bezos đã học được những điều quan trọng để trở thành một người thành công trong kinh doanh. Đây là một số lời khuyên hàng đầu của ông ấy.
Là một người nuôi đam mê mãnh liệt
Trong khi có không ít cuộc tranh luận xoay quanh việc bạn có nên theo đuổi đam mê của mình hay không, Jeff Bezos tin rằng đây là nhân tố rất quan trọng để trở thành một doanh nhân thành công.
“Bạn phải có một niềm đam mê nhất định đối với lĩnh vực mà mình sẽ phát triển và làm việc. Nếu không, bạn sẽ phải không ngừng cạnh tranh với những người sục sôi đam mê. Điều đó sẽ thôi thúc họ liên tục xây dựng các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn,” Bezos cho biết tại hội nghị re: Mars của Amazon ở Las Vegas vào tháng 6 năm 2019.
Jeff Bezos tin rằng “đam mê” là nhân tố rất quan trọng để trở thành một doanh nhân thành công. Ảnh: Internet
Ông nói thêm rằng, điều cần thiết đối với một doanh nhân là “trở thành một người nuôi đam mê” chứ không phải “lính đánh thuê” cho đam mê của người khác.
Bezos nói: “Lính đánh thuê chỉ cố gắng kiếm tiền. Trong khi những người đam mê có thể xây dựng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn. Nhờ vậy, họ lại trở thành người luôn chiến thắng và kiếm được nhiều tiền hơn”.
Người dám chấp nhận rủi ro và thất bại
Để thành công trong kinh doanh, bạn cũng phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro, và cũng cần phải đối mặt thất bại.
“Hiếm có ý tưởng kinh doanh nào không đi kèm với rủi ro. Nếu bạn chưa phát hiện ra thì bạn cần tìm tòi, nghiên cứu thêm về điều đó. Vì vậy, hãy luôn giữ tâm thế chấp nhận rằng mình đang làm một cuộc thử nghiệm mà kết quả có thể thất bại”, Bezos nói. “Và điều đó hoàn toàn ổn.”
Không phải tự nhiên mà nhà kinh tế học Turgot đã nói: “Trước thất bại, có người không dám bước vì sợ gãy chân; nhưng sợ gãy chân mà không dám bước đi thì khác nào chân đã gãy.”
Bezos là người nổi tiếng với những bước đi táo bạo như thế. Năm 2005, khi cho ra mắt Amazon Prime (gói nâng cấp dành cho thành viên đăng ký gói dịch vụ VIP khi mua sắm trên Amazon) với mức phí 79 USD/năm, rất nhiều người cho rằng nó là một sản phẩm thất bại. Tuy nhiên, tính đến tháng 4 năm 2018, dịch vụ đã có 100 triệu người đăng ký trên toàn thế giới.
Tỷ phú giàu nhất thế giới không phải lúc nào cũng thành công. Ông từng đón nhận rất nhiều thất bại, chẳng hạn như mảng kinh doanh Restaurants và Daily Dish – một dịch vụ giao bữa trưa tại nơi làm việc. Hay như phi vụ đầu tư cả trăm triệu đô la vào Fire Phone vẫn là một cú ngã đau đớn với vị tỷ phú này.
Tuy vậy, Jeff Bezos tiếp tục khuyến khích các nhân viên của mình tại Amazon chấp nhận rủi ro. “Trên thực tế, quy mô của rủi ro và thất bại cần phải lớn lên cùng với công ty”, ông nói.
Chia sẻ tại Re: Mars, vị tỷ phú cho rằng: “Chúng ta cần những thất bại lớn để đạt được thành công lớn, cho dù nó trị giá hàng tỷ đô la. Nếu chưa có những điều đó thì có nghĩa là chúng ta vẫn chưa gặp đủ sóng gió.”
Người dám thay đổi suy nghĩ
Quen biết, trao đổi và học hỏi từ những bộ óc có ảnh hưởng nhất trên thế giới rằng, Jeff Bezos đúc rút được rằng, những người thường làm đúng là những người biết lắng nghe và thường xuyên thay đổi suy nghĩ của bản thân.
“Điều tôi nhận thấy ở những người có tầm nhìn xung quanh mình chính là, họ thường điều chỉnh suy nghĩ của mình ngay cả khi không có điều gì xảy ra. Từ những thông tin đã có ban đầu, sau một thời gian, khi họ ở vào một trạng thái khác và đặt bút phân tích lại mọi thứ từ đầu thì suy nghĩ lại được dẫn đến một kết luận hoàn toàn mới. Có thể nói, họ là người thích thay đổi và dám thay đổi.” – Jeff Bezos lý giải.
Người thành công phải học cách thường xuyên đổi mới suy nghĩ của mình thông qua việc trở thành những “giám khảo khó tính nhất” để tự bác bỏ bản thân. Ảnh: Internet
Trên thực tế, những người “luôn thắng” trong kinh doanh thường chăm chỉ suy nghĩ. Họ luôn vận dụng tư duy của mình để đưa ra các quyết định, sau đó tiếp tục suy nghĩ liệu rằng mình có phạm phải định kiến cố hữu nào đó trong thói quen tư duy hay không. Họ cũng tìm cách tự biện chứng cho những quyết định của mình.
Nhờ vậy, những người thành công dần dần lược bỏ được rất nhiều khuyết điểm và hạn chế trước khi bị người ngoài phản bác. Điều này cũng giúp họ giảm nguy cơ thất bại một cách đáng kể khi biến ý tưởng của mình thành lời nói, hành động.
Tỷ phú Ray Dalio, người đã xây dựng quỹ đầu cơ lớn nhất trên thế giới Bridgewater Associates, cũng từng đưa ra một lời khuyên tương tự. Ông cho rằng nói: “Một trong số những bi kịch lớn nhất của nhân loại là họ luôn giữ những ý kiến sai lầm trong tâm trí mình”.
*Theo CNBC
Thuý Phương
Theo Nhịp sống kinh tế