Dám làm, dám sai

15 Th12, 2023
avatar post

Sau đó là tám năm làm nghiên cứu khoa học ở Ba Lan, một nước Xã hội chủ nghĩa cũ nhưng có tư tưởng cởi mở. Thầy tôi là thứ trưởng Bộ Quy hoạch Ba Lan nên tôi được nghe ông giảng giải nhiều về lãnh đạo, trách nhiệm, đánh giá của xã hội về mình. “Phải biết xấu hổ khi tự mình thấy làm chưa tốt công việc”, tôi vẫn nhớ lời ông. Tôi nhiễm tư duy tích cực về lãnh đạo của ông nên thấy cuộc đời “cán bộ” của mình sau này cũng phẳng phiu.

Về nước, tôi làm việc với cương vị tiến sĩ khoa học vào năm 1988. Đến 1994, tôi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, nhưng cũng chỉ được phân công phụ trách mảng công việc liên quan nhiều đến kỹ thuật. Câu chuyện trách nhiệm với tôi cũng đơn giản, vì kỹ thuật dễ đo đếm để đánh giá hiệu quả.

Đến 2002, tôi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và được phân công phụ trách quản lý đất đai. Định hình lại lĩnh vực mình quản lý, có phần kỹ thuật nhưng không khó, thêm phần chính sách mới phức tạp, tôi bắt đầu cảm thấy “rờn rợn”. Có lẽ bởi khi ấy, tôi mong manh nhận thấy nhiều người dường như có lý khi tán đồng “quả là chí lý” rằng: làm nhiều – sai nhiều, làm ít – sai ít, không làm – không sai.

Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm gạt bỏ tư duy “không làm – không sai”. Tôi nghĩ “không làm thì làm sao phát triển được”.

Năm 2003, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch thực hiện kiểm tra một năm thi hành Luật Đất đai mới vào năm 2005. Đây lại là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh tại tất cả địa phương. Lãnh đạo nhiều tỉnh phản ứng gay gắt, bằng nhiều cách với đợt kiểm tra đất đai này. Khá nhiều dân mang đơn khiếu nại, tố cáo tới các đoàn kiểm tra.

Có phóng viên phỏng vấn tôi rằng “anh có sợ khi một số tỉnh quy cho Bộ thiếu trách nhiệm, tổ chức kiểm tra về đất đai vào thời điểm không phù hợp, gây hậu quả chính trị nghiêm trọng cho địa phương không?”. Tôi đã nói cứng rằng: “Đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm”.

Thế rồi, dù chịu không ít sức ép, Bộ cũng trình ra Bản phê duyệt kế hoạch kiểm tra đất đai đã được Thủ tướng phê duyệt.

Tôi vẫn suy nghĩ thường xuyên và sâu hơn về câu hỏi: Cái gì cản trở người có thẩm quyền dám làm, dám đổi mới khi thực hiện thẩm quyền?

Thứ nhất, chúng ta dễ thống nhất với nhau yếu tố thứ nhất là con người. Người không có bản lĩnh thì khó có thể khẳng định đâu là “hay” và đâu là “dở”, việc gì phải làm và việc gì không được làm. Tôi tin nhiều người cũng như tôi, theo dõi các quyết sách của lãnh đạo các địa phương liên quan đến dịch Covid-19, có thể cảm nhận được sơ bộ về khả năng lãnh đạo của các tư lệnh địa phương.

Thứ hai theo tôi là yếu tố minh bạch của hệ thống pháp luật. Pháp luật minh bạch đến từng nội hàm, từng chi tiết thì xác định hành vi vi phạm rõ ràng và công bằng. Pháp luật thiếu minh bạch có thể làm cho đúng thành sai, sai thành đúng.

Tôi có anh học trò, tiến sĩ, đứng đầu cơ quan tài nguyên và môi trường một huyện. Anh đưa đất xen kẹt trong huyện ra đấu giá thu ngân sách cho huyện. Cả tổ chức, cá nhân đều tham gia và doanh nghiệp thắng vì trả giá cao hơn. Rồi có đơn khiếu nại, lãnh đạo huyện lo ngại đã tự quyết định huỷ kết quả đấu giá. Nhưng sau đó, vụ việc vẫn bị cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh kết luận là đấu giá sai vì thẩm quyền giao đất cho tổ chức thuộc tỉnh, không thuộc huyện. Hơn nữa, họ còn cho rằng việc đấu giá đất như vậy “không gây hậu quả kinh tế nhưng gây hậu quả chính trị vì làm mất lòng tin của dân”.

Sự thực, việc đấu giá đất và việc giao đất là hai công đoạn khác nhau. Đấu giá xong rồi, ai thắng đấu giá thì được giao đất theo đúng thẩm quyền. Kết luận “làm mất lòng tin của dân” thì quả là buồn. Cuối cùng, học trò tôi bị kỷ luật khá nặng. “Tích cực quá cũng khổ vào thân, thầy ạ”, anh than.

Khía cạnh thứ ba là tìm cách gì để đánh giá người nào có thẩm quyền sử dụng thẩm quyền đạt hiệu hiệu quả cao nhất. Trên thế giới, cả về lý thuyết và kinh nghiệm, người ta đã chỉ ra rằng để đánh giá bất kỳ yếu tố nào đều phải sử dụng hệ thống chỉ số tương ứng, có thể chỉ số định lượng tính ra từ kết quả làm việc, hoặc có thể chỉ số định tính thông qua thu thập ý kiến từ cộng đồng. Hệ thống chỉ số đánh giá càng phù hợp thì kết quả đánh giá càng đúng. Ở Việt Nam, hệ thống chỉ số đánh giá còn quá ít và chưa được coi là công cụ chính thức trong xây dựng và thực thi luật pháp.

Chúng ta mới có vài hệ thống chỉ số khái quát chung như về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, hay cảm nhận của người dân về thủ tục hành chính và quản trị PAPI… Mảng còn thiếu mà các cơ quan tại Việt Nam có thể tiến tới là xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá cho hoạt động của từng ngành, từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ công. Các bộ chỉ số dạng này rất phổ biến trên thế giới. Điều quan trọng là chúng ta có nhận thức rằng hệ thống chỉ số đánh giá rất quan trọng và buộc phải xây dựng sớm nhất hay không.

Quan sát nhiều năm qua, tôi nhận thấy tư duy “không làm – không sai” không giảm. Bài viết này đã chỉ ra ba nguyên nhân chủ yếu: chọn cán bộ không đúng, pháp luật thiếu minh bạch và thực thi yếu kém, không đánh giá công việc bằng các chỉ số hợp lý. Còn một nguyên nhân bao trùm: tư duy nhiều cán bộ chưa chịu thay đổi để dám chịu trách nhiệm.

“Trường hợp cán bộ thực hiện đúng, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”, chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ sáng tạo mới đây của Bộ Chính trị được cho rằng có ý nghĩa mở đường. Chiếu theo tinh thần này, học trò tôi đáng ra đã không bị kỷ luật.

Tôi vẫn cho rằng, người tâm sáng là người không ngại làm.

Đặng Hùng Võ