Công ty chứng khoán vừa và nhỏ tìm ngách khi sức ép cạnh tranh ngày một lớn dần
Nếu như quan sát bảng xếp hạng thị phần môi giới chứng khoán tại Việt Nam những năm gần đây, ngoài hai “ngựa ô” là TCBS và VPS, Top5 công ty chứng khoán đầu thị trường gần như không thay đổi. Dữ liệu theo quý cũng chỉ ghi nhận một vài cái tên thay nhau ra vào ở những vị trí cuối trong bảng xếp hạng Top10.
Tại những kỳ đại hội lần trước, nhiều công ty chứng khoán đặt tham vọng lọt Top10 thị phần môi giới. Nhưng điều đó không hề đơn giản. Như đề cập trên, trật tự dường như sắp đặt, hai “ông lớn” VPS và SSI chiếm đến một phần tư thị trường giao dịch cơ sở và 2/3 thị trường phái sinh.
Theo một lãnh đạo chia sẻ, bài toán để gia nhập thị trường bán lẻ này không dễ, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ nguồn vốn, nhân sự, hệ thống công nghệ cộng với chiến lược.
Nhìn tổng quan, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển rất mạnh, số tài khoản giao dịch trên thị trường đã vượt ngưỡng 7 triệu. Nhưng nhìn kỹ, chiếc bánh đã không giành cho số đông. Không nhiều công ty có được lợi nhuận cao trong mảng này, ngoại trừ Top10.
Bối cảnh thị trường đang có sự khởi sắc trở lại khi xuất hiện tín hiệu tích cực về lãi suất và hỗ trợ chính sách, các công ty chứng khoán lớn đang gia tăng áp lực cạnh tranh lên ngành khi đồng loạt tung ra các chương trình thu hút nhà đầu tư như ưu đãi khi mở tài khoản, miễn phí giao dịch, giảm lãi suất cho vay margin để kích cầu.
Hai đơn vị dẫn đầu về cho vay margin là SSI và Mirae Asset (Việt Nam) tung ra hàng nghìn tỷ đồng để cho vay với mức lãi suất thấp hơn 2 – 3% so với mặt bằng chung trong ngành. Nhiều công ty chứng khoán khác cũng giành ra một phần vốn để kích cầu thị trường.
Với lượng nhân sự đông đảo, bộ phận môi giới của các công ty chứng khoán lớn tỏa ra hầu hết các diễn đàn, hội nhóm, mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng.
Một nhà đầu tư chia sẻ cảm nhận dường như rất khó để nhận thấy sự xuất hiện của các công ty chứng khoán, ngay cả nhóm từng ở vị thế dẫn đầu, công ty con của các ngân hàng thương mại.
Đứng trước bài toán cạnh tranh khốc liệt trên, câu hỏi được thị trường quan tâm, đâu là “cái ngách” để các công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ phát triển?
Ông Trần Anh Thắng, Tổng Giám đốc Chứng khoán Nhất Việt chia sẻ. Ảnh: HL.
Trong đại hội cổ đông tổ chức mới đây, ông Trần Anh Thắng, Tổng Giám đốc của Chứng khoán Nhất Việt thẳng thắn chia sẻ, “vốn điều hệ của công ty hiện tại vẫn đang giữ nguyên ở mức 802,5 tỷ đồng, để so sánh với năng lực cạnh tranh đối với Top trên, Top10 công ty chứng khoán lớn nhất với vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng thì đương nhiên chúng ta không có cơ hội”.
“Chúng tôi không cạnh tranh bằng nguồn vốn, chúng tôi không cạnh tranh bằng những cái sản phẩm đặc thù, đặc trưng mà chúng tôi đi riêng theo cách riêng”, ông Thắng nói.
Đứng trên quan điểm của người điều hành nói về chiến lược sản phẩm, CEO Nhất Việt cho rằng nếu như tung ra sản phẩm chung cạnh tranh với thị trường sẽ rất yếu thế và rủi ro.
Trước tình thế đó, cách đi riêng Nhất Việt lựa chọn là tập khách hàng thân thiết lâu năm của công ty (khoảng 500 – 700 tài khoản trên tổng số 10.000 tài khoản), tập trung khách hàng quy mô vừa hay những sản phẩm đặc thù đơn cử tư vấn tài chính cho một số tập đoàn.
Đây là giải pháp không của riêng Nhất Việt, nhiều đơn vị cũng đang lựa chọn phương án này. Trong đại hội, ông Vũ Đức Mạnh, TGĐ Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities) nói về chiến lược với nhóm khách hàng VIP lâu năm của công ty, khách hàng trong hệ sinh thái ngân hàng mẹ. Hoạt động bán lẻ cũng đang được hướng đến thông qua việc mở rộng kênh, đội ngũ công tác viên.
Nhưng đó không phải bài toán cốt lõi bởi mảng môi giới chỉ đủ “nuôi quân”, chiến lược khác được đặt ra đó là kinh doanh nguồn, thu xếp vốn cho các thương vụ, hay hoạt động tư vấn M&A khi ban lãnh đạo dự báo đây là một hoạt động sôi động.
Hướng đi của VietinBank Securities cũng được nhiều công ty chứng khoán thuộc ngân hàng mẹ lựa chọn trong bối cảnh này.
Tuy vậy, một điểm khó của thị trường đó là bài toán “tắc nghẽn” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Những chính sách tháo gỡ được đưa ra nhưng câu chuyện làm sao để các tập đoàn, công ty lớn giải quyết bài toán dòng tiền, cơ cấu thành công không phải câu chuyện sớm chiều.
Một nhóm khác lựa chọn tập trung vào hoạt động truyền thống là tự doanh. Các công ty thực hiện các giao dịch mua bán trên thị trường cổ phiếu, phái sinh để tìm kiếm lợi nhuận. Trong khi các công ty chứng khoán lớn giảm dần hoạt động tự doanh trên sàn và chủ yếu đi theo hướng giao dịch lô lớn (block deal), thì nhóm quy mô vừa lại lựa chọn đây là chiến lược chủ lực.
Đơn cử, Chứng khoán Rồng Việt xác định tự doanh là một trụ cột chính. Ông Nguyễn Miên Tuấn, Chủ tịch công ty chia sẻ quan điểm “làm CTCK không đầu tư thì chẳng biết tư vấn gì cho khách hàng”.
Từ câu chuyện của các công ty để thấy rằng khó có một công thức chung với ngành chứng khoán đầy cạnh tranh như hiện nay. Mỗi đơn vị chọn cách phát triển theo thế mạnh của mình. Nhưng dù chọn theo hướng đi nào, hai yếu tố nền tảng cơ bản nhất mà công ty nào cũng phải giải quyết đó là vốn và nhân sự.
Lợi Hoàng