Chuyển đổi số tại Việt Nam – Bài 4: Không đơn giản chỉ là hiện đại hóa phương thức quản lý

15 Th12, 2023
avatar post

Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông xung quanh Chương trình chuyển đổi số của ngành.

Chú thích ảnh

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng có thể đánh giá hiện trạng chuyển đổi số của Bộ Giao thông Vận tải như thế nào?

Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới môi trường làm việc trực tuyến thay làm việc truyền thống dựa trên hồ sơ, giấy tờ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến để tạo điều kiện, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ Giao thông Vận tải đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để quản lý điều hành dựa trên dữ liệu số. Cụ thể hiện nay tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã quản lý, cấp, đổi giấy phép lái xe, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ dựa trên dữ liệu số. Trong khi đó Cục Đăng kiểm Việt Nam đã số hóa toàn bộ phương tiện để đăng kiểm phương tiện nhanh và thuận tiện hơn. Cục Hàng hải Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu, thuyền ra, vào cảng biển tại Việt Nam. Giai đoạn này, chủ yếu số hóa thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý nhanh, thuận tiện hơn nhưng bản chất vẫn làm trên nền tảng cũ, chủ yếu là phương thức thủ công.

Theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, giao thông vận tải và logictics là hai trong tám lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong Bộ Giao thông Vận tải khác biệt với quá trình ứng dụng công nghệ thông tin đã thực hiện trong giai đoạn trước đây ở điểm cơ bản là ứng dụng công nghệ mang tính thay đổi căn bản phương thức quản lý chứ không đơn giản là hiện đại hoá phương thức quản lý cũ. Đây là một quá trình lâu dài và phải được thực hiện thường xuyên.

Trong quá trình chuyển đổi số sẽ phát sinh các mô hình quản lý, kinh doanh vận tải mới, chưa có tiền lệ và có thể chưa có hệ thống chính sách pháp luật để điều chỉnh. Do đó, cần thay đổi nhận thức của cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải là phải chấp nhận những mô hình mới và tìm cách quản lý và thúc đẩy sự phát triển thay vì ngăn cản và chấp nhận những mô hình thử nghiệm để tìm ra biện pháp quản lý.

Chính vì vậy, Chương trình chuyển đổi số Bộ Giao thông Vận tải đặt ra tầm nhìn đến năm 2030: “Giao thông vận tải là ngành tiên phong về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động quản lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhân dân”.

Mục tiêu Chương trình chuyển đổi số được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là gì, thưa Thứ trưởng?

Trước tiên là nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách sâu rộng trong Bộ Giao thông Vận tải, đưa chuyển đổi số trở thành thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động quản lý của Bộ Giao thông Vận tải, đồng hành với doanh nghiệp giao thông vận tải trong mọi hoạt động chuyển đổi số.

Đối với phát triển Chính phủ số, mục tiêu đặt ra của Bộ là theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu cho mọi hoạt động nghiệp vụ, sử dụng dữ liệu số cho việc tự động hoá ra quyết định và hỗ trợ ra quyết định. Bộ tập trung xây dựng các hệ thống phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí, nguồn lực xã hội.

Còn đối với mục tiêu phát triển kinh tế số, chương trình đặt ra phát triển nền kinh tế số thông qua cải cách phương thức quản lý, ứng dụng các công nghệ số để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ vận tải và giảm chi phí logistics. Cụ thể là chuyển đổi số thành công các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải để thay đổi phương thức cung cấp sản phẩm dịch vụ từ truyền thống sang phương thức số và tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, xây dựng chuỗi cung ứng logistics được làm chủ bởi doanh nghiệp của Việt Nam.

Chú thích ảnh

Kiểm tra kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của bộ như mục tiêu đề ra, đâu là giải pháp căn cơ thưa Thứ trưởng?
Trước tiên cần phải nói rằng, Chương trình chuyển đổi số của Bộ Giao thông Vận tải không phải là một chương trình độc lập với các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử hay chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…đang được triển khai, mà nó có quan hệ lẫn nhau.

Chương trình đưa ra 7 nhiệm vụ giải pháp để thực hiện, gồm: Chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số; xây dựng nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng và hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc bộ việc thực hiện chuyển đổi nhận thức được lồng ghép trong các chương trình hội nghị, hội thảo, đào tạo thường xuyên và tuyên truyền nâng cao nhận thức của Bộ Giao thông Vận tải. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức kinh tế – xã hội xây dựng chương trình nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải; kiến tạo thể chế về chuyển đổi số được thực hiện lồng ghép trong các chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chương trình xây dựng đề án hàng năm của Bộ Giao thông Vận tải.

Các nhiệm vụ phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được thực hiện thông qua kế hoạch triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông Vận tải và các kế hoạch, chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin…

Để triển khai các nội dung trên, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải với các nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên, đầy đủ và chính xác.

Một điểm đáng chú ý đó là Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu “xóa bỏ” tiền mặt trong hoạt động của nền kinh tế số giao thông vận tải bằng việc ứng dụng và thúc đẩy hoạt động thanh toán điện tử và liên thông thanh toán các dịch vụ giao thông vận tải.

Đối với việc phát triển chuỗi cung ứng logictics, bộ sẽ thúc đẩy phát triển các nền tảng số kết nối giữa các chủ hàng, nhà giao vận, khách hàng để phát triển thành hệ thống một cửa cho phép chủ hàng có thể tìm ra phương tiện tối ưu để vận chuyển hàng hóa và tìm các kho bãi chính xác cũng như hỗ trợ đóng gói, đăng ký, hoàn thiện các quá trình xử lý văn bản hành chính liên quan.

Ngoài hai nội dung trên, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ cung cấp các loại dữ liệu mở giao thông như bản đồ, số liệu đo, số liệu thống kê… để thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo dịch vụ dựa trên dữ liệu với mục đích mạng lại các lợi ích cho xã hội như giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí di chuyển ….

Người dân và doanh nghiệp sẽ được lợi gì từ chuyển đổi số của Bộ Giao thông Vận tải, thưa Thứ trưởng?

Lợi ích đầu tiên chính là người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin của ngành giao thông vận tải một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời, mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao giúp cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính thuận tiện, dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân nhanh chóng kịp thời hơn.  

Ngoài ra, việc sử dụng nguồn dữ liệu số được Bộ Giao thông Vận tải công bố dưới hình thức dữ liệu mở giúp người dân, doanh nghiệp ứng dụng trong việc phát triển các mô hình kinh doanh mới, phát triển kinh tế số.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Quang Toàn (TTXVN)