Chuyển đổi số đến tận doanh nghiệp nhỏ
Tối thiểu mỗi năm có 30.000 doanh nghiệp được trải nghiệm nền tảng số
Chương trình hướng tới mục tiêu đẩy nhanh việc chuyển đổi số trongdoanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc; giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực…
Đối tượng của chương trình là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số.
CHÌA KHÓA ĐỂ GIẢI BÀI TOÁN CHUYỂN ĐỔI SỐ
Cùng với việc tối thiểu có 30.000 doanh nghiệp được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số, ít nhất mỗi năm sẽ có 50.000 người được tiếp cận chương trình, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Mạng lưới chuyên gia tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số cũng được thiết lập.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, chương trình sẽ lựa chọn các nền tảng xuất sắc để tham gia. Theo đó, sẽ xây dựng danh mục các nhóm nền tảng số mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần cho quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: quản trị tổng thể doanh nghiệp; dịch vụ kế toán, tài chính; thanh toán trực tuyến; nhân sự, tổ chức; quảng cáo, tiếp thị trực tuyến; chăm sóc khách hàng; an ninh mạng; hạ tầng công nghệ; nhà hàng, cửa hàng; khách sạn, điểm vui chơi…
Các nhóm nền tảng số phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở để đánh giá, lựa chọn các nền tảng số tham gia chương trình. Danh mục này sẽ được đánh giá thường xuyên, cập nhập phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp và tình hình thực tế. Trên cơ sở những danh mục nhóm nền tảng số này sẽ tổ chức đánh giá, lựa chọn các nền tảng số xuất sắc cho quá trình chuyển đổi số các doanh nghiệp.
Cùng với việc đánh giá chức năng, hiệu năng, tiêu chuẩn quy chuẩn, tính an toàn bảo mật, các nền tảng sẽ được đánh giá về khả năng phục vụ số lượng khách hàng lớn, sự chấp nhận của thị trường, số lượng khách hàng và người dùng hiện có, chính sách ưu đãi, hỗ trợ… Mỗi nhóm nền tảng sẽ lựa chọn không quá 3 nền tảng số xuất sắc nhất tham gia chương trình. Nếu các nền tảng được chọn chưa đáp ứng hết yêu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sẽ lựa chọn thêm các nền tảng có khả năng tương hỗ cùng tham gia nhóm.
Để cung cấp thông tin, cung cấp kiến thức, tài liệu về chuyển đổi số doanh nghiệp, đến nay Cổng thông tin điện tử của Chương trình SMEdx cũng đã được Bộ Thồng tin & Truyền thông xây dựng và đưa vào vận hành tại các địa chỉ http://smedx.vn, http://smedx.mic.gov.vn. Đây là đầu mối, nơi các doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký tham gia chương trình và sử dụng các nền tảng số của chương trình, tư vấn, trao đổi; đồng thời là sàn giao dịch hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.
Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98%. Các doanh nghiệp này sử dụng tới 70% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 50% GDP. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng tiêu cực. “Nỗi đau” hiện nay của doanh nghiệp nhỏ và vừa là không có đầu ra, thị trường truyền thống bị thu hẹp, sự phụ thuộc vào các trung gian, đồng thời, vẫn phải chịu chi phí duy trì hoạt động.
Những khó khăn thách thức đã khiến cho doanh thu đã sụt giảm trên 50%… Vì vậy, khoảng 47% doanh nghiệp khi được khảo sát coi chuyển đổi lên môi trường số là nhu cầu cấp thiết nhưng còn lạ lẫm và chưa biết bắt đầu từ đâu.
Chia sẻ vấn đề này tại buổi phát động Chương trình bình chọn, trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (VDA 2021) ngày 30/3, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng, chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số, chưa biết phải bắt đầu từ đâu và làm thế nào để chuyển đổi số. Nếu không chuyển đổi số thì trong vài năm tới, các doanh nghiệp đó sẽ vô cùng khó khăn và nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị tụt hậu.
Chỉ khi chuyển đổi số doanh nghiệp thành công thì chúng ta mới hy vọng có nền kinh tế số.
ÔNG NGUYỄN QUÂN, NGUYÊN BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ
Theo bà Nguyễn Hiền Phương, Phó Tổng giám đốc Hanoi Telecom, chuyển đổi số mang lại lợi ích lớn, giúp giảm 70% chi phí và tăng gần 50% hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp, người dùng vẫn khá mơ hồ về khái niệm và chưa muốn chuyển đổi số. Bà Phương mong muốn thông qua VDA sẽ đưa các giải pháp sản phẩm, dịch vụ số tới gần người dùng, hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức VDA 2021, cho biết Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam nhằm góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và nhiều chính sách khác về chuyển đổi số.
Nhĩ Anh
Theo Tạp chí điện tử Vneconomy