Chồng đột ngột ra đi, người anh em tốt nợ hàng trăm triệu âm thầm sửa tờ giấy nợ: Vay tiền thấu NHÂN PHẨM, trả tiền thấu NHÂN TÂM

16 Th12, 2023
avatar post

Chồng đột ngột ra đi, người anh em tốt nợ hàng trăm triệu âm thầm sửa tờ giấy nợ: Vay tiền thấu NHÂN PHẨM, trả tiền thấu NHÂN TÂM

Cách đây vài ngày, anh trai của một người bạn bị nhồi máu cơ tim đột ngột qua đời, anh ấy mới chỉ ngoài 50 tuổi, vì ra đi đột ngột nên anh ấy không để lại lời nào.

Cả nhà đau buồn tổ chức xong tang lễ, bắt đầu xử lý đồ đạc, di vật của anh để lại.

Tiền trong nhà hầu hết là anh ấy quản, vợ anh ấy cũng biết chồng lấy tiền cho một vài người bạn vay, nhưng con số cụ thể thì lại không biết, may mà cháu trai nhanh nhạy, mở được điện thoại của anh ấy nên đại khái cũng biết được những ai nợ tiền chồng mình.

Vậy là người nhà cùng vợ anh ấy tìm tới một trong những người từng vay tiền và nói rõ mọi chuyện, đại ý là không bắt trả luôn nhưng mong là hai bên có một tờ giấy nợ cho rõ ràng, bởi vì trụ cột gia đình giờ không còn nữa, nhà chỉ còn hai mẹ con, cũng cần sự bảo hiểm.

Đối phương cũng rất thông tình đạt lý nói:

“Đây là điều đương nhiên, cậu ấy qua đời đột ngột như vậy, tôi cũng rất buồn, khổ nỗi là đợt vừa rồi lại đi công tác ngoại tỉnh nên không tới tiễn cậu ấy được, giấy nợ đương nhiên phải viết rồi.”

Đối phương rất nhanh thừa nhận rằng mình có vay tiền bạn, cũng không ít, tròn 50 triệu, cũng rất nhanh chóng viết giấy nợ, nội dung là khi có tiền nhất định sẽ trả ngay, tuyệt đối không nợ nần.

Người vợ và gia đình cảm thấy người bạn này rất tốt, không phủ nhận việc vay nợ, cũng rất phối hợp viết giấy nợ, mặc dù không tới tiễn đưa được chồng, nhưng anh ta cũng có lý do chính đáng.

Chồng đột ngột ra đi, người anh em tốt nợ hàng trăm triệu âm thầm sửa tờ giấy nợ: Vay tiền thấu NHÂN PHẨM, trả tiền thấu NHÂN TÂM  - Ảnh 1.

Về nhà, lúc ăn cơm, cả nhà vẫn nói về việc này.

Cậu con trai không tham dự vào chuyện này nên không biết, sau khi nghe mẹ kể xong liền kinh ngạc nói: “Chú ấy từng viết giấy nợ với ba con rồi, sao mọi người lại còn tới tìm làm gì vậy?”

Mọi người kinh ngạc, nói có phải cậu con trai nhầm lẫn gì không.

Cậu con trai nói không thể, hôm đó sau khi ăn tối xong, chính cậu và ba cậu cùng nhau đi, cậu còn biết tờ giấy nợ được để ở trong phòng sách của ba, hơn nữa, số tiền nợ 50 triệu cũng không phải con số chính xác.

Mọi người kinh ngạc, nhanh chóng vào phòng sách tìm tờ giấy nợ, số nợ thực sự là 150 triệu.

Họ hàng, người thân lúc này tức giận, tìm tới người bạn kia:

“Sao con người anh lươn lẹo vậy, rõ ràng nợ 150 triệu, giờ lại nói mình chỉ nợ 50 triệu, người ta cho anh vay nhiều tiền như vậy vì xem anh là bạn bè, tin tưởng anh tuyệt đối, giờ thì sao, anh ấy còn chưa qua đời được bao lâu, anh đã đối xử với vợ con người ta như này.”

Đối phương giả ngốc nói: “Tôi cũng không phải cố ý, chắc giờ lớn tuổi rồi nên trí nhớ kém, nhớ nhầm mất thôi.”

Ai chẳng biết đó chỉ là lời giảo biện, nếu quả thực là trí nhớ không tốt, sao không nhớ lên thành 200, 300 triệu?

Nhưng, vẫn còn một hiện trạng khiến người ta vừa xót xa và phải suy ngẫm đó là:

Người anh đó khi qua đời, những người anh ấy từng từ chối giúp đỡ hay từng vay anh ấy tiền, căn bản là không có mấy người tới dự tang lễ, ai cũng có lý do chính đáng, đáng buồn là có những món nợ sai số, nói dối đã trả, cũng chẳng thể đối chứng…

Họ cũng chỉ có thể chấp nhận rằng gia đình mình đen đủi…

Người bạn của tôi nói: “Quả thực chưa có giây phút nào lại thấy rõ được bản tính của con người tới như vậy, những người vay tiền của anh tôi, anh tôi luôn coi họ là bạn tốt, nếu không đã không cho họ vay nhiều tiền tới như vậy rồi.

Kết quả thì sao, họ trả lại anh tôi như vậy, sau này tôi nhất định không cho ai vay nhiều tiền như vậy, tránh giẫm lên vết xe đổ của anh ấy.”

Có lẽ chẳng ai thích những người nhân phẩm không tốt, nợ tiền không trả cả.

Nhưng nếu giả sử hiện tại bạn cũng nợ ai đó một số tiền lớn, rồi lại giả sử đối phương đột ngột qua đời, người nhà anh ấy tới tìm bạn, và cũng lại không biết bạn nợ bao nhiêu, mong bạn viết một tờ giấy nợ cho họ.

Người biết chuyện duy nhất đã qua đời rồi, vậy bạn có sẵn sàng viết ra con số thật sự mà mình nợ họ hay không? Hay bạn sẽ giải phóng ác quỷ trong lòng mình?

Có lẽ rất nhiều người sẽ nói, tất nhiên là tôi sẽ thành thật rồi!

Khi còn là một thiếu niên, có lẽ tôi cũng sẽ ngây thơ cho rằng, làm người tất nhiên là sẽ như vậy!

Nhưng, sau khi trưởng thành, sau khi va chạm với đủ mọi nhân tình thế thái, bạn sẽ phát hiện ra rằng, đối mặt với lợi ích, có thể dứt khoát, giữ nguyên được cái bản tính thuần lương ban đầu, số người như vậy không nhiều.

Tôi không hề muốn nói những người đó nhân phẩm họ tồi tới đâu, có thể trước khi sự việc xảy ra, họ trong mắt người khác vẫn luôn là một người có nhân cách khá ổn, nhưng khi đứng trước lợi ích và cám dỗ, rất nhiều người lại lựa chọn đặt lợi ích lên đầu.

Đó không phải là âm mưu từ lâu, mà là một ý niệm nhất thời.

Thậm chí ngay cả khi xong việc rồi, có lẽ chính bản thân họ cũng không ngờ rằng mình lại làm ra được chuyện trái lương tâm tới như vậy.

Chồng đột ngột ra đi, người anh em tốt nợ hàng trăm triệu âm thầm sửa tờ giấy nợ: Vay tiền thấu NHÂN PHẨM, trả tiền thấu NHÂN TÂM  - Ảnh 2.

Tôi nhớ tới một câu chuyện mình từng đọc như này.

Khi đó, trong tay cô ấy có khoảng 400 triệu, đang do dự không biết có nên gom thêm để mua xe hay không thì một người bạn thân tìm tới nói rằng mình đang muốn mua một căn hộ, hỏi xem cô ấy có tiền không cho mình vay.

Cô ấy lưỡng lự rất lâu, thứ nhất là vì chính cô ấy cũng đang không biết mình nên mua xe hay không, thứ hai là bởi người bạn kia vốn cũng chẳng có bao nhiêu tiền, tiền trả đợt đầu đều là đi vay cả, đến khi nào mới có thể trả được cho mình, nhỡ mình có việc cần thì làm sao, nhưng nếu không cho vay thì lại sợ làm hỏng mối quan hệ vốn rất tốt giữa hai người.

Cô ấy có tìm tới một người khá tin cậy để nhờ tư vấn. Người ấy thiên về hướng không cho vay, lí do là mặc dù bạn bè thân thiết nên giúp đỡ nhau, nhưng bản thân cũng chẳng có bao nhiêu, lại cũng có việc cần dùng, hơn nữa một người mà tiền đợt đầu toàn là đi vay mà ra thì cũng không đáng tin lắm, dù nhân phẩm có thể không có vấn đề gì, nhưng làm gì cũng nên cân nhắc.

Cô ấy sau đó nghe thấy khá hợp lý, nhưng vì 2 chữ “bạn thân”, cuối cùng vẫn cho vay.

Kết quả, trải qua bao nhiêu giai đoạn cuộc đời từ yêu đương, kết hôn, sinh con, mua nhà, sửa nhà… cô bạn kia vẫn chưa trả cô ấy tiền.

Dù có nhắc nhở nhẹ mấy lần nhưng cô bạn kia cuối cùng lại thành ra không vui, cho rằng bạn bè tốt lại ép nhau như vậy, cuối cùng quan hệ giữa hai người vẫn đi vào rạn nứt.

Cô ấy lúc này mới hối hận nói, biết thế ngay từ đầu kiên quyết không mượn, dù quan hệ có sứt mẻ thì ít nhất vẫn còn tiền, giờ tiền cũng chẳng còn, tình bạn cũng chẳng đi đến đâu, làm người đúng là không nên quá tốt để làm gì.

Rất nhiều người không hiểu, khi ai đó gặp khó khăn, tôi nhiệt tình giúp đỡ họ, cho họ vay tiền, tình nghĩa này tuyệt vời biết bao?

Không ít bài viết luôn ca ngợi rằng, hãy trân trọng người cho bạn vay tiền, bởi vì họ là những người thật lòng coi bạn là bạn.

Nhưng cũng có biết bao người, khi mượn tiền thì hứa đông hứa tây, tới lúc trả tiền thì lại trở mặt không nói lý, lòng người sao lại dễ “lật” như vậy?

Nói một quan điểm có lẽ rất nhiều người sẽ phản đối, ở đâu ra lắm bài viết “cho vay tiền thấu nhân phẩm, trả lại tiền thấu lòng người” tới như vậy?

Vì sao có biết bao người trọng tình trọng nghĩa đem tiền ra cho người khác vay, cuối cùng nhận lại được lại là kẻ thù?

Bởi lẽ quá nửa số người tìm tới bạn vay tiền, họ đều đã âm thầm sớm không muốn trả lại tiền cho bạn rồi.

Hoặc cũng có người ban đầu cũng không phải không nghĩ tới chuyện trả bạn, nhưng sau đó vì tiếp tục khó khăn hoặc vì ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, mà họ đã nảy ra ý định này.

Rất nhiều người khi vay tiền xong đều nảy sinh một cái ảo giác, họ xem tiền vay được là của mình, vì vậy nảy sinh sự kháng cự với hai chữ “trả tiền”.

Rõ ràng là nên trả, nhưng lại cảm giác như là phải lấy chính tiền của mình ra đi trả vậy, cũng chính vì tâm lý này mà nhiều người cứ chần chừ không muốn trả, cảm giác thêm được ngày nào hay ngày ấy.

Cho người khác vay tiền, đồng nghĩa với việc kiểm tra nhân phẩm của họ, người thực sự có thể trả lại tiền cho bạn, nếu không tới bước đường cùng, họ sẽ không tùy tiện đi vay của bạn; còn kiểu dễ dàng vay tiền của bạn, tất nhiên cũng sẽ dễ dàng không trả cho bạn!

Như Nguyễn/ Pháp luật và bạn đọc