Chìa khoá để doanh nghiệp công nghiệp truyền thống chuyển đổi số thành công
Cái khó của doanh nghiệp công nghiệp truyền thống
Từ cách đây hơn một thập kỷ, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra tại Việt Nam dưới cái tên “điện tử hoá doanh nghiệp”. Trong những năm gần đây, quá trình này mới bắt đầu được đẩy mạnh nhờ sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự lên ngôi của những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data) và đặc biệt là khi các doanh nghiệp bị đặt vào bối cảnh của cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây nên.
Trong bối cảnh mới, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp có thể tồn tại qua mọi khủng hoảng, phục hồi và phát triển với tốc độ nhanh hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, không vô cớ mà tần suất “chiếm sóng” của chủ đề chuyển đổi số trên các kênh truyền thông, các cuộc hội thảo, hội nghị hay đơn giản là trong các cuộc thảo luận hàng ngày của giới doanh nhân vẫn không hề giảm bớt suốt nhiều năm liền. Lợi ích của chuyển đổi số mang lại rất lớn nhưng không phải ai cũng thực hiện được do nhiều rào cản, đặc biệt là đối với doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp truyền thống.
Sở hữu mô hình nhà máy và quy trình phức tạp cùng hệ thống máy móc và đội ngũ nhân sự lớn vốn là ưu điểm song cũng là nhược điểm khiến việc cải tiến, chuyển đổi số của các doanh nghiệp này gặp không ít trở ngại.
Do các dây chuyền sản xuất đã ổn định, công nghệ và sản phẩm chưa có nhiều đổi mới và quan trọng hơn là thị trường chưa phát sinh thêm nên nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn ngần ngại việc tăng cường đầu tư cho chuyển đổi số.
Một khảo sát, đánh giá việc triển khai, ứng dụng các giải pháp công nghệ số ở gần 250.000 doanh nghiệp trên cả nước của Công ty CP MISA chỉ ra rằng, rào cản lớn nhất để doanh nghiệp chuyển đổi số nằm ở nhận thức, ý chí quyết tâm hành động của các lãnh đạo doanh nghiệp.
Họ vẫn còn khá mông lung và chưa dám sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn để đưa doanh nghiệp chuyển mình. Thế nhưng vùng an toàn này sẽ khó được đảm bảo trong bối cảnh hiện nay khi cả thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa “chuyển đổi số hay là chết”!
Dấu ấn tiên phong
Nói chuyển đổi số là câu chuyện của giới trẻ thời đại mới quả là một nhận định sai lầm. Khi nhiều lãnh đạo vẫn bị mắc kẹt trong bài toán tư duy thì ông Nguyễn Đoàn Thăng, CEO Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông – một lãnh đạo gắn bó hơn nửa thế kỷ với doanh nghiệp – đã sớm “đi trước, đón đầu” với tầm nhìn đưa công ty trở thành hình mẫu về chuyển đổi số cho tất cả doanh nghiệp công nghiệp truyền thống tại Việt Nam.
Là điển hình của một doanh nghiệp công nghiệp truyền thống với 60 năm tuổi, Rạng Đông đã cho thấy những bước đi rõ ràng, vững chắc, từng bước chuyển đổi, nâng cao công nghệ từ sản xuất đến nhân sự và hệ thống quản lý, đem đến những kết quả đáng ngưỡng mộ khi lần lượt những năm qua đều tăng trưởng vượt bậc, kể cả trong giai đoạn Covid 19.
Nhớ lại nhiều năm trước đây, khi người ta còn đang loay hoay tìm đường đổi mới công nghệ, ông Thăng đã cho xây dựng hẳn một trung tâm nghiên cứu và phát triển chiếu sáng. Đó là nơi tập hợp các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nguồn sáng ngày đêm làm việc để cho ra những sản phẩm mới phục vụ lộ trình công nghệ của công ty.
Rạng Đông rất coi trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ để họ có đủ khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học – công nghệ
Trong lịch sử 60 năm, công ty này đã trải qua bốn thời kỳ chuyển tầng công nghệ, từ công nghệ đèn dây tóc dựa trên hiệu ứng Joule của dòng điện, sang tầng công nghệ đèn phóng điện dựa trên nguyên lý va chạm đưa các nguyên tử thủy ngân lên trạng thái kích thích, tầng công nghệ chiếu sáng rắn (SSL-LED) và Hệ sinh thái LED 4.0.
Từ ngày 1/7/2019, Rạng Đông đã triển khai chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030. Ông Thăng cho biết, quá trình chuyển đổi số của Rạng Đông được thực hiện đồng bộ trên cả ba phương diện: công nghệ, quá trình và tổ chức – con người.
Ban lãnh đạo Rạng Đông xác định, chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi nhận thức, tư duy, chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức vận hành để thích ứng với thời đại số.
Trong tư duy của những người đứng đầu Rạng Đông, chuyển đổi số là quá trình phức tạp, liên tục, không có điểm dừng và quyết định tương lai của Rạng Đông nên cần tư duy tổng thể – hành động cụ thể có tiến trình, trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với hiện thực khách quan từng thời kỳ, tránh làm tràn lan.
Đó không chỉ là một định hướng đúng đắn, mà còn là một ứng xử cao đẹp của một “anh lớn” trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp truyền thống ở Việt Nam với triết lý kinh doanh luôn đặt sự “tử tế” làm kim chỉ nam cho sự phát triển.
“Chúng tôi sẽ không ngừng đổi mới và sáng tạo để thương hiệu Rạng Đông không ngừng tỏa sáng trên khắp mọi miền Tổ quốc và vươn ra chinh phục thị trường Thế giới”, ông Thăng nhấn mạnh.
Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế