Các khu công nghiệp Việt Nam hấp dẫn tập đoàn điện tử đa quốc gia
Việt Nam được coi là một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho các tập đoàn điện tử quốc tế dịch chuyển dòng vốn.
Theo bà Meir Tlebalde, Phó giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Thuế KPMG, các nhà phát triển khu công nghiệp cần tập trung cao độ vào việc hoàn thiện các thủ tục và hồ sơ pháp lý để có thể thu hút hơn nữa đối với các công ty điện tử toàn cầu.
Bên cạnh đó, cơ chế với người lao động trong khu công nghiệp cũng cần có chủ trương và chính sách rõ ràng, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các quy trình, thủ tục đầu tư, thủ tục phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai và các thủ tục pháp lý quan trọng khác.
Cuối cùng, chính quyền địa phương phải có các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư khu công nghiệp thực hiện giải phóng mặt bằng, cải thiện hạ tầng, đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng cao của làn sóng đầu tư toàn cầu.
Cùng với việc tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty sản xuất sản phẩm điện và điện tử trên thế giới.
Theo ước tính của Fitch Solutions, khoảng 65% doanh nghiệp điện tử nước ngoài đặt cơ sở sản xuất tại miền Bắc, 30% ở miền Nam và một tỷ lệ nhỏ ở các tỉnh miền Trung.
Các khu công nghiệp ở miền Bắc hiện nay là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp điện tử quy mô lớn và nổi tiếng như Fuji Xerox, Compal, Canon, Foxconn, Petragon, Samsung, Meiko, Samsung Display, LG Display, Intel, LG Innotex, Renesas, Wintex, Panasonic, Luxshare, USI, LG Electronic, Hosiden.
Các công ty này đang hoạt động tại các khu công nghiệp ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và Hà Nam ở phía Bắc; Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai ở phía Nam.
Bà Tlebalde cho rằng, các tỉnh phía Bắc nổi bật với vị trí chiến lược tiếp giáp với Trung Quốc, giao thông thuận tiện, giá đất công nghiệp thấp hơn.
“Miền Bắc sẽ sớm trở thành trung tâm sản xuất chủ đạo với nhiều công ty điện tử quốc tế, từ đó trở thành thỏi nam châm thu hút ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam”, bà Tlebalde đánh giá.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó của phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Sỹ Nhân, Giám đốc điều hành Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình (Thái Nguyên) cho biết, việc các nhà sản xuất điện tử “cá mập” vào thị trường Việt Nam gần đây chắc chắn sẽ kéo theo nhiều nhà sản xuất phụ trợ khác để cung cấp cho các “cá mập” này.
“Các nhà sản xuất phụ trợ chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tìm kiếm không gian hợp lý để đặt hệ thống nhà xưởng, nên đây là nguồn cầu lớn cho các khu công nghiệp”, ông Nhân nói.
Còn theo bà Tlebalde, yếu tố quan trọng thu hút khách thuê tiềm năng trong khu công nghiệp là vị trí địa lý và khả năng tiếp cận hệ thống giao thông và kho vận của các tỉnh phía Bắc.
“Việt Nam được coi là một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho những nhà sản xuất đang tìm cách di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng đã xúc tiến thành lập và đầu tư hạ tầng cho các KCN cũng như quy hoạch và định hướng thêm các khu công nghiệp trong vài năm tới”, bà Tlebalde nói.
Các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Hà Nam, đang thu hút nhiều dự án FDI vào các khu công nghiệp công nghệ cao và đầu tư hạ tầng cả trong và ngoài KCN để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư trong giai đoạn mới.
Nhu cầu đất công nghiệp sẽ lớn hơn nhiều so với nguồn cung, đặc biệt trong nửa cuối năm 2021 và 2022, do nhiều nhà sản xuất như Foxconn, Pegatron triển khai các kế hoạch mở rộng sản xuất.
Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt việc mở rộng thêm nhiều khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn. Tuy nhiên, các “ông lớn” trong lĩnh vực điện tử đang tìm kiếm các khu công nghiệp quy mô lớn (diện tích trên 1.000 ha) với hệ thống hạ tầng đồng bộ, nên sẽ rất khó xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung trong ngắn hạn và trung hạn.
Bích Ngọc
Theo Báo điện tử đầu tư