‘Bếp trên mây’- xu hướng mới ở Việt Nam

16 Th12, 2023
avatar post

Nằm trên đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh (TP HCM), Chef Station do bà Ninh Hoàng Ngân, một nhà sáng lập trẻ người Việt đầu tư đi vào hoạt động sau một tháng thử nghiệm.

Mô hình bếp trên mây (Cloud Kitchen), ở đó chủ nhà hàng không đón bất kỳ vị khách nào mà chủ yếu là họ sẽ gọi đồ ăn về nhà hoặc nơi làm việc. Đây là loại kinh doanh F&B kiểu mới, nơi tập hợp của nhiều nhà hàng đa dạng về ẩm thực.

Tại Chef Station, thời gian đầu có 5 thương hiệu nhà hàng, quán ăn. Mỗi đơn vị sẽ có một gian bếp riêng, được trang bị nội thất cơ bản, kèm máy nhận đơn. Các dụng cụ chế biến do nhà hàng tự lắp đặt.

Ở nhà bếp trung tâm này, các đầu bếp, chuyên gia ẩm thực có thể tập trung vào việc nấu ăn, còn Chef Station sẽ lo việc thiết lập, điều hành nhà hàng cũng như tìm kiếm khách hàng, đối tác. Sản phẩm của trạm ẩm thực này được phân phối qua hình thức giao hàng (hoặc khách mua mang đi), với mục tiêu tiết kiệm các chi phí vận hành.

Mô hình bếp trên mây này không phải lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Năm ngoái, Grab cũng đã đầu tư mở GrabKitchen tại quận Thủ Đức và hứa hẹn sẽ thêm nhiều địa điểm ở TP HCM. Mô hình này “nổi lên” nhờ vào nhu cầu đặt thức ăn qua ứng dụng tăng cao của người dùng cũng như sự khó khăn của kênh nhà hàng truyền thống trong đợt dịch vừa qua.

 

Căn bếp chung đầu tiên của Chef Station tại quận Bình Thạnh. Ảnh: Thi Hà.

Nói với VnExpress, bà Ninh Hoàng Ngân, nhà sáng lập Chef Station cho biết, nửa năm nay bà chứng kiến nhiều nhà hàng, quán ăn rơi vào tình trạng doanh thu không đủ bù chi phí như tiền mặt bằng, nhân sự, vận hành… do tác động của Covid -19.

Vì vậy, để giúp họ tiết kiệm chi phí vận hành, bà nghĩ ra ý tưởng làm một nhà bếp trên mây của người Việt. Mô hình này được vận hành theo cơ chế, các nhà hàng, quán ăn, thay vì phải thuê mặt bằng lớn và nhân viên phục vụ thì họ đăng ký bán hàng ở đây chỉ cần thuê bếp theo tháng với diện tích 15-25m2. Mỗi bếp chỉ cần 2-5 nhân sự để phục vụ cho hoạt động chế biến món ăn. Việc nhận đơn và giao hàng sẽ do Chef Station lo.

Bà Ngân cũng cho biết, nếu trạm thức ăn trên mây này thành công, bà sẽ mở thêm 1 trạm nữa tại quận 1 và nhiều chi nhánh khác tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Tham gia vào Chef Station từ những ngày đầu, ông Huỳnh Hiếu, quản lý chuỗi thương hiệu cơm tấm Cô Tấm Quán cho biết, với mô hình này, chi phí đầu tư tại đây của thương hiệu ông chỉ bằng 1/3 so với mở một mặt bằng hiện hữu, chỉ ở mức một hai trăm triệu đồng.

Ngoài ra, công ty không phải tốn tiền thuê nhân sự quản lý và nhân viên phục vụ. “Dù mới thử nghiệm được một tháng nhưng mỗi ngày chúng tôi đã có cả trăm đơn hàng đặt và nếu số lượng tăng lên nhanh thì việc hòa vốn có thể chỉ mất hơn 1 năm. Điểm đặc biệt của nhà bếp trên mây là chỉ với khu bếp nhỏ nhưng chúng tôi có thể phục vụ vài trăm khách một ngày”, ông Hiếu nói.

Trên thế giới, mô hình bếp trên mây còn được gọi là bếp ảo hay “nhà hàng ma” đã phát triển rất mạnh, nhất là ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ. Mô hình này tối thiểu hoá sự hiện diện ở mặt vật lý, tối đa hiện diện qua kênh trực tuyến, tập trung vào phần giao hàng cho khách qua ứng dụng giao hàng.

Một chuyên gia trong ngành cho rằng, đây là mô hình mang tính phá cách lớn so với ngành kinh doanh ẩm thực truyền thống. Mặc dù bếp trên mây chỉ mới bước đầu xuất hiện ở Việt Nam nhưng ông cho rằng trong tương lai sẽ phát triển mạnh vì rất tối ưu.

Theo báo cáo khu vực Đông Nam Á 2019, doanh thu của khu vực trong thị trường đặt và giao đồ ăn trực tuyến lên tới 3.492 triệu USD vào năm 2020. Riêng với Việt Nam, con số này lên tới 302 triệu USD năm nay.

Trong phân khúc giao đồ ăn trực tuyến tại Đông Nam Á, số lượng người dùng khoảng 89,52 triệu trong năm 2020 và dự kiến đạt 137,88 triệu năm 2024, còn với Việt Nam lần lượt là 10,56 triệu và 17,37 triệu.

Thi Hà.