3 “khác” và một “chung” giữa tỷ phú và người thường: Điều đầu tiên đã tạo nên tỷ phú Bill Gates ngày hôm nay, số 3 là thứ nhiều người sợ hãi, né tránh
Forbes thống kê có khoảng 724 tỷ phú ở Mỹ và hơn 2.700 trên toàn cầu. Mỗi người có hoàn cảnh riêng và tạo dựng tài sản của mình theo những cách khác nhau. Song khi nhìn vào thái độ và hành vi của họ một cách tổng thể, các tỷ phú có một số đặc điểm chung.
Những nét chung ấy có thể là hành trang cho những ai đang vươn tới thành công và độc lập tài chính.
3 điểm khác biệt giữa tỷ phú và người thường
1. Họ tiết kiệm
“Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi chi tiêu. Hãy tiêu những gì còn lại sau khi tiết kiệm”, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Berkshire Hathaway – Warren Buffett từng nói.
Câu nói tóm gọn suy nghĩ gíup “thần chứng khoán” trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới. Những câu chuyện Warren Buffett ngồi ăn ở McDonald’s, sống trong ngôi nhà ông mua ở Omaha (Nebraska, Mỹ) năm 1958 với giá hơn 720 triệu đồng, mua ô tô cũ và sử dụng điện thoại nắp gập giá rẻ không còn xa lạ.
Tại cuộc họp cổ đông thường niên vào năm 2014, Warren Buffett giải thích rằng chất lượng cuộc sống của ông không bị ảnh hưởng bởi số tiền mà ông có. “Cuộc sống của tôi không thể hạnh phúc hơn. Trên thực tế, sẽ tệ hơn nếu tôi có sáu hoặc tám ngôi nhà. Vì vậy, tôi có mọi thứ cần phải có. Tôi không cần thêm bất kỳ thứ gì vì nó không tạo ra sự khác biệt”.
Nhưng đó là thói quen cho phép tỷ phú Warren Buffet tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn. Điều này đã thúc đẩy sự giàu có của ông. “Thần chứng khoán” 92 tuổi không phải người duy nhất có thói quen này.
“Thần chứng khoán” Warren Buffett không phung phí vào đồ hàng hiệu. Ảnh: CNBC.
Nhà đồng sáng lập Microsoft – tỷ phú Bill Gates – từng thừa nhận cách đây vài năm ông đeo đồng hồ có giá hơn 220.000 đồng. Thói quen tiết kiệm đã ăn sâu vào ông từ thời còn trẻ.
Ông bộc bạch: “Năm 20 tuổi, tôi chán ghét với con người lúc đó của mình. Bạn biết đấy, tôi chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ thay đổi bất cứ điều gì ngoài huấn luyện viên. Nhưng giờ đây tôi có máy bay”. Sự tiết kiệm đã tạo nên con người tỷ phú giàu thứ 4 thế giới hôm nay.
Ví dụ khác về thói quen này là tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập, cựu giám đốc điều hành và chủ tịch điều hành tại Amazon. Ông cho rằng thói quen tiết kiệm chính là “mẹ đẻ” của sự đổi mới.
“Tôi nghĩ tiết kiệm thúc đẩy sự đổi mới. Một trong những cách duy nhất để thoát ra khỏi chiếc hộp chật hẹp là bạn tự tạo lối đi riêng”, tỷ phú Jeff Bezos chia sẻ.
2. Họ nghĩ lớn
“Cuộc sống có thể rộng lớn hơn nhiều, một khi bạn khám phá ra sự thật đơn giản. Đó là mọi thứ xung quanh được tạo nên bởi những người thông minh hơn bạn. Bạn có thể thay đổi nó, ảnh hưởng đến nó, xây dựng những thứ của riêng mình mà người khác có thể sử dụng. Một khi hiểu được điều đó, bạn sẽ không bao giờ giống vậy nữa”, Steve Jobs, người sáng lập Apple quá cố cho biết.
Steve Jobs đã sống như vậy. Ông thay đổi thế giới bằng những sáng tạo tại Apple. Lời nói của ông không đồng nghĩa với việc bạn phải phát minh công nghệ thay đổi thế giới.
Song các chuyên gia nói rằng hầu hết tỷ phú đều nghĩ lớn. Rõ ràng, công việc khó khăn và tư duy chiến lược sẽ giúp bạn thành công trong bất kỳ dự án mạo hiểm nào. Chúng bắt đầu từ việc có tư duy tích cực và suy nghĩ lớn.
Ann Hiatt từng làm trợ lý cho tỷ phú Jeff Bezos. Sau khi làm việc cùng các CEO tỷ phú, cô nhận thấy điểm chung của họ là tính tò mò. Họ khao khát tìm hiểu và khám phá mọi thứ. Các CEO thành đạt cố gắng tiếp cận các tình huống với điều kiện khác nhau theo những cách sáng tạo và đưa ra quan điểm độc đáo về nhiệm vụ đặt ra trước mắt.
3. Họ không sợ thất bại
Một trong những điều quan trọng và được lặp đi lặp lại lâu đời nhất trong thế giới khởi nghiệp là không nên sợ thất bại. “Nếu mọi thứ không thất bại, nghĩa là bạn chưa đủ đổi mới”, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk nói với các nhân viên SpaceX trong những ngày đầu của công ty.
Sara Blakely, người sáng lập thương hiệu hàng dệt kim và đồ lót nữ Spanx, kể rằng cha của bà luôn khuyến khích sự thất bại. “Ông ấy sẽ hỏi chúng tôi đã thất bại điều gì trong tuần. Nếu chúng tôi nói không có, ông sẽ thất vọng. Điều đó thay đổi suy nghĩ của tôi ngay từ nhỏ rằng thất bại không phải kết quả”, bà nói.
Vào năm 2012, Sara Blakely lên trang bìa tạp chí Forbes với danh hiệu nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới. Triết lý này đã ăn sâu vào bà từ khi còn trẻ, liên tục đẩy bà ra khỏi vùng an toàn để đón nhận những thử thách và rủi ro mới.
Nhiều người tránh các hành động hoặc hoạt động vì sợ thất bại. Song Sara Blakely nói rằng việc không sợ thất bại đã cho phép bà liên tục thử những điều mới.
Hay câu chuyện kinh điển của thiên tài Thomas Edison: “Tôi không thất bại. Tôi vừa tìm ra 10.000 cách mà không hiệu quả” là ví dụ khác về việc không sợ thất bại.
Không phải tất cả các tỷ phú đều có được thành công ngay khi khởi nghiệp. Chính sự thất bại đã dạy họ những bài học kinh nghiệm đắt giá và đưa họ đến đỉnh vinh quang.
Một điểm chung giữa người thường và tỷ phú
Nhiều tỷ phú nói rằng họ không bị thúc đẩy bởi tiền. Đó là sự phát triển vượt bậc của đam mê và mục đích của họ.
Về một điểm chung mà tất cả đều có, Richard Branson, người sáng lập Virgin Galactic, đã nói: “Có một điều chắc chắn trong kinh doanh, bạn và mọi người xung quanh sẽ mắc sai lầm”.
Nhưng chính từ những sai lầm đó, dù kinh doanh hay đầu tư, bạn mới có thể học hỏi, thích nghi và tạo ra những cơ hội thành công mới.
Theo The Buffalo News
Lam Phương
Theo Nhịp sống kinh tế