10 bài học sự nghiệp từ 24 năm kinh nghiệm của cha tôi: Mọi thứ không tự nhiên đến, muốn hái quả ngọt bạn phải “gieo hạt giống tốt”
Bố tôi là chủ của một doanh nghiệp nhỏ, là một nhà phát triển Website trong vòng 24 năm qua. Từ khi còn nhỏ, bố đã luôn là người truyền cảm hứng kinh doanh cho tôi với sự linh hoạt và khả năng kiểm soát mọi thứ của bố. Và khi tôi bắt đầu công việc kinh doanh của mình, tôi đã hiểu ra được những bài học mà bố tôi đã dạy tôi trong nhiều năm qua. Đến nay, bố tôi vẫn luôn là người cố vấn tài năng, hỗ trợ cho tôi trong công việc kinh doanh viết quảng cáo thành công vừa qua. Và đây là 10 bài học mà bố tôi đã dạy tôi về tinh thần kinh doanh.
1. Mọi thứ không giống với vẻ bề ngoài
Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ bớt mệt mỏi hơn sau khi rời công việc toàn thời gian của mình. Tuy nhiên, dù không phải căng thẳng để làm hài lòng sếp, nhưng tôi lại áp lực về việc tìm việc làm, làm hài lòng khách hàng và tìm bảo hiểm y tế phù hợp với mức giá cả phải chăng.
Khi nói đến kinh doanh, mọi thứ không bao giờ là “tốt” hoặc “xấu” như bạn “nghe nói”. Nếu bạn để cảm xúc của mình bị chi phối bởi những thăng trầm của lối sống, bạn sẽ nhanh chóng kiệt sức.
2. Công việc không phải tự nhiên mà đến
Công việc sẽ đến và mang lại thành công cho bạn với điều kiện bạn phải biết cách gieo trồng thế nào. Hãy luôn mở rộng tầm mắt đón nhận những cơ hội mới, nói về những gì bạn làm với bạn bè và gia đình cũng như mở rộng mạng lưới quan hệ của bạn. Đặc biệt, hãy cống hiến và hoàn thành tốt nhất công việc cho khách hàng hiện tại của bạn. Sau tất cả, khách hàng cũ và hiện tại của bạn là nguồn thu tốt nhất cho công việc của bạn sau này.
3. Bạn không có 8 giờ một ngày
Đây là điều mà bố tôi thường nói khi tôi cảm thấy tội lỗi rằng tôi có “quá nhiều thời gian” trong tay và dường như không thể hoàn thành công việc. Không ai có 8 tiếng “rảnh rỗi” hoặc “làm việc hiệu quả” thực sự trong một ngày. Chỉ khi thừa nhận thực tế này, bạn mới có thể lập chiến lược để sử dụng thời gian đó như thế nào là tốt nhất.
4. Buộc bản thân học hỏi mỗi ngày
Nếu bạn muốn có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường, bạn phải tạo ra trò chơi của mình để đáp ứng với những nhu cầu của khách hàng. Một mặt, bạn phải nhìn về phía trước để có thể dẫn đầu và tiếp tục phát triển. Mặt khác, bạn phải tập trung vào hiện tại và giữ cho khách hàng hiện tại của bạn hài lòng. Hãy tiếp tục cung cấp những lợi ích và dự đoán những gì khách hàng của bạn sẽ yêu cầu trong một vài tháng hoặc một năm kể từ bây giờ.
5. Đừng trả tiền cho những bộ quần áo đắt tiền, hãy đầu tư vào công việc kinh doanh
Bố tôi không phải là người dễ dàng chi tiền để mua một chiếc xe đẹp hay quần áo đắt tiền. Thay vào đó, bố tôi mua cho mình một một chiếc Macbook với cấu hình mạnh, linh hoạt – một công cụ đắc lực để phục vụ cho công việc
Chính vì vậy, hãy đầu tư vào những công cụ thực sự giúp bạn tiến xa, nỗ lực và thành công hơn. Warren Buffett từng nói: “Có một khoản đầu tư thay thế tất cả những khoản đầu tư khác: Đầu tư vào chính bạn. Không ai có thể lấy đi những gì bạn có trong chính con người mình. Mọi người đều có tiềm năng mà họ chưa sử dụng”.
6. Bạn có thể thay đổi câu chuyện của bạn
Là một doanh nhân, công việc của bạn luôn thay đổi nên hãy sẵn sàng tâm thế xoay chuyển và là người dẫn chuyện của mình. Ví dụ, tôi có thể là một “nhà văn tự do” hoặc tôi có thể là một “nhà văn chuyên nghiệp”, là “nhà chiến lược nội dung”. Đúng vậy, chức danh được gọi tên của chúng tôi giúp chúng tôi truyền đạt cho người khác những gì chúng ta làm. Công việc của chúng ta cũng vậy.
7. Không phải lúc nào bạn cũng phải trở thành “người giỏi nhất”
Đương nhiên, ở ngoài kia có rất nhiều nhà văn có kinh nghiệm và tài năng hơn tôi. Tuy nhiên, nếu bạn không thể cạnh tranh về kinh nghiệm, hãy bù đắp bằng tính chuyên nghiệp và cá tính. Hãy cho khách hàng biết bạn là người có cá tính riêng, là người có khả năng hoàn thành công việc. Dù bạn có thể không có bằng Thạc sĩ hoặc chứng chỉ ưa thích hoặc 20 năm kinh nghiệm, nhưng bạn tạo dựng uy tín bằng cách đối xử tốt với khách hàng và làm công việc tốt nhất của mình, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.
8. Cuộc sống quá ngắn, đừng cố gắng chịu đựng những kẻ khó ưa
Không phải tất cả các khách hàng đều có cách ứng xử giống nhau. Khi tôi làm việc cho một đại lý tiếp thị, tôi không thể biết được hôm nào sẽ có những cuộc gọi hoặc email khó chịu từ những khách hàng thô lỗ và khắt khe. Tuy nhiên, thực sự, điều đó có đáng để bạn phải căng thẳng, lo lắng hay áp lực không?
Bạn có thể không nghĩ đó là một vấn đề lớn, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Vì vậy, hãy tiết kiệm thời gian và năng lượng của bạn dành cho những người biết ơn những giá trị mà bạn gửi trao cho họ.
9. Tìm sự cân bằng giữa các ưu tiên về công việc và cuộc sống
Tinh thần kinh doanh có thể làm mờ ranh giới giữa “công việc” và “cuộc sống cá nhân” của bạn. Bố tôi đã dạy tôi rằng, ngay cả những doanh nhân bận rộn cũng có thể đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đó là về việc xác định các ưu tiên của bạn và phải có “sự thỏa hiệp” cho những điều đó.
Tôi hiểu được sự vất vả trong các cân bằng các công việc của bố tôi, luôn có sự đánh đổi. Thỉnh thoảng, bố tôi cũng có những việc gấp vào buổi tối hoặc trong kỳ nghỉ để làm việc. Tuy nhiên, bố tôi cũng là người luôn kề cận và giúp đỡ tôi rất nhiều.
10. Chỉ bạn mới có thể xác định thành công
Không có “thước đo” hay “tiêu chuẩn” để thành công. Vì hai chữ “thành công” rất khác nhau trong quan điểm của mỗi người và chỉ bạn mới có thể xác định “thành công” có ý nghĩa như thế nào đối với bạn.
Khi bạn biết thành công có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân bạn thì bạn sẽ cảm nhận được sự hạnh phúc, không có áp lực phải đáp ứng kỳ vọng của bất kỳ ai khác. Chỉ có sự hài lòng khi tìm được công việc có ý nghĩa và định hình tương lai của chính bạn.
*Theo chia sẻ của Brooke Harrison – người kể chuyện, cây bút chuyên viết về kinh doanh, phát triển bản thân tại Medium.
Thiên An/ Theo Trí thức trẻ